Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

08:17, 15/08/2023

Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn không chỉ nâng cao về giá trị, tận dụng tối đa các phế phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì thế, mô hình này đang được nhiều nông hộ tại huyện Krông Ana áp dụng, nhân rộng.

Lợi ích “kép”

Năm 2017, ông Lương Công Nhật (xã Ea Na) quyết định cải tạo lại 2,5 ha đất để trồng sầu riêng. Không chỉ đầu tư giếng khoan, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc cây, ông Nhật còn chủ động nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc cũng như học hỏi các phương pháp canh tác và thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử ký kịp thời những biểu hiện bất thường nên vườn sầu riêng phát triển tốt.

Khi niềm đam mê trồng sầu riêng “bén rễ”, ông Nhật lại vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò, quyết tâm phát triển kinh tế theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ông tận dụng khoảng đất trống trong vườn trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò sinh sản hơn 20 con, đồng thời tận dụng nguồn phân bò để bón cho sầu riêng. Sau mỗi ngày dọn chuồng, số phân tươi sẽ thu gom lại và ủ với chế phẩm sinh học, 6 tháng sau mới bón cho cây trồng. Nhờ có lượng phân bò dồi dào nên chi phí các loại phân bón khác giảm đáng kể, nguồn phân cũng được xử lý theo phương pháp khoa học nên không ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Lương Công Nhật (giữa) chăm sóc vườn sầu riêng.

Từ khi triển khai mô hình khép kín, ông Nhật giảm được nhiều chi phí đầu tư. Với 2,5 ha sầu riêng sử dụng phân bón hữu cơ giúp ông tiết kiệm được trên 100 triệu đồng/năm so với sử dụng phân bón hóa học như trước đây. Hiện nay, lượng phân bón từ trang trại bò cung cấp cho vườn cây còn dư còn có thể cung cấp cho các hộ dân trong vùng, tạo thêm thu nhập.

Bà Lê Thị Nhương, nông dân xã Ea Na, cũng là một trong những hộ sản xuất giỏi tại địa phương với mô hình 3 ha trồng cây ăn trái như sầu riêng, mít, hồng xiêm, chuối và nuôi đàn dê hàng chục con. Gia đình bà tự trồng cỏ và tận dụng nguồn rau, lá trong vườn để nuôi dê nên chi phí thức ăn chăn nuôi không quá tốn kém, nguồn phân và chất thải được ủ làm phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng.

Bà Nhương tính toán: “Việc tự ủ phân hữu cơ để bón cho diện tích cây ăn trái không chỉ giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường mà còn giảm 50 - 60% chi phí mua phân bón hóa học. Nhờ đầu tư song song chăn nuôi và trồng trọt, chúng tôi yên tâm là vẫn có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá nhiều loại trái cây giảm sâu. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì nông nghiệp tuần hoàn là một cứu cánh nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất”.

Chung tay phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Krông Ana là một huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp gần 31.646 ha, chiếm gần 89% diện tích tự nhiên với các cây trồng chủ lực như lúa nước, cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả. Tổng đàn vật nuôi năm 2022 gồm 625 con trâu, 10.856 con bò, 32.430 con heo, 9.330 con dê và hơn 498.500 con gia cầm. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là 365 ha, tổng sản lượng 3.300 tấn.

Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Krông Ana đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng khép kín, tái tạo, tận dụng triệt để các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 06/7/2022 về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 huyện Krông Ana, thì mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 15%; hầu hết các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp được tái sử dụng một cách hiệu quả.

Hội viên phụ nữ tham quan trang trại nuôi dê của gia đình bà Lê Thị Nhương.

Đến nay phần lớn các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bước đầu đã sản xuất theo hướng tăng cường hữu cơ hóa vườn cây, giảm sử dụng các chế phẩm hóa học có hại cho môi trường. Việc sử dụng phụ phẩm trong sản xuất lúa nước trên địa bàn huyện hiện đạt trên 90%. Gần 100% phụ phẩm trong sản xuất cà phê được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ. Các nông hộ cơ bản đều biết cách ủ phân chuồng với chế phẩm sinh học và sử dụng cho cây trồng.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, tái tạo, trồng xen, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bước đầu phát triển đã đem lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên sự hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, vì vậy tính bền vững chưa cao.

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đang được xác định là có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín. Ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ban hành các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục việc thiếu vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.