Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đầu tư phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn

14:23, 01/06/2023

Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu đánh giá tình hình thực hiện KT-XH những tháng đầu năm bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, đề nghị cần bổ sung giải pháp cụ thể hơn như tiến độ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành vì hiện có 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt.

Đại biểu cũng nêu, những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, qua triển khai ở một số địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa và chưa có tính đột phá, có chính sách chưa được ban hành. 

Phiên họp sáng 1/6. Ảnh: quochoi.vn
Phiên họp sáng 1/6. Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tập trung nguồn lực đầu tư tránh dàn trải, hướng tới bền vững.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, tập trung giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến 18 bộ ngành, sớm hoàn thành việc tham mưu sửa đổi Nghị định 27 của Chính phủ vì đây là khung pháp lý xương sống của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về thể chế, vướng mắc về nguồn vốn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp trong tái cơ cấu lĩnh vực ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khí hậu, dịch COVID- 19 và những xung đột giữa các nước đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn nhưng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt khá.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho biết, mặc dù vậy, cử tri và nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

Trong khi đó một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ, bán giá thành rất thấp hoặc lỗ, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất người nông dân. Vấn đề này được cử tri đề nghị nhiều lần nhưng thực tế hàng giả không giảm, hàng kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu hơn và có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nhằm giảm gánh nặng đời sống cho họ.

Một số ý kiến cho rằng, về định hướng lâu dài, để giảm thiểu tác động kinh tế từ bên ngoài, cần bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ, tập trung các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Theo đại biểu, cần xây dựng giải pháp căn cơ để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Đồng thời, cần xây dựng chính sách cụ thể để hỗ trợ nông dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Ngoài ra, đại biểu đề nghị quan tâm, đầu tư các dự án chống sạt lở các tuyến sông, kênh rạch, ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, triều cường và biến đổi khí hậu…

Đối với vấn đề phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng, theo đại biểu, đây là những vấn đề quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển quốc gia, cần thiết được đưa vào Nghị quyết Kỳ họp.

Về phát triển đô thị, đại biểu cho rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội phát triển đột phá cho các khu vực, địa phương, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Các đô thị chính là những cực phát triển kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, nhưng quá trình thực hiện đô thị hóa đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về vấn đề này.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch 5 thành phố trực thuộc trung ương, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về chuyển dịch năng lượng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, các tổ chức tài chính quốc tế trên cơ sở đảm bảo quốc phòng an ninh.

Xung quanh việc sử dụng các quỹ tồn dư của Nhà nước đang gửi hệ thống, đại biểu cho rằng, nguồn này có thể linh hoạt để bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động và người mất việc làm hoặc xây dựng ngay những khu nhà ở, cho thuê nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động để kích cầu hơn thay vì chúng ta thực hiện các giải pháp hiện nay, bổ sung các thể kích cầu nền kinh tế. 

Đại biểu đề nghị cần linh hoạt nguồn vốn này nhưng linh hoạt trong sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tháo gỡ các thủ tục hành chính để đưa tiền vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế…

Tại phiên làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng;  Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.