Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nấm linh chi đỏ dưới tán keo:

Thêm hướng phát triển kinh tế ở huyện Krông Bông

08:25, 25/08/2023

Tận dụng khoảng trống giữa những hàng keo chưa thu hoạch, người dân huyện Krông Bông đã phát triển thành công mô hình trồng nấm linh chi đỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành mô hình tiềm năng của địa phương.

Bắt nguồn từ yêu thích, đam mê với mô hình trồng nấm linh chi đỏ tại tỉnh Gia Lai, năm 2022, một số người dân thị trấn Krông Kmar và xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đã cùng nhau đầu tư mua 3.000 phôi giống và trồng thử trên 200 m2 đất dưới tán cây keo. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, do chưa nắm vững kỹ thuật, cùng với giống phôi không chất lượng, nên khi thu hoạch năng suất nấm đạt thấp, khiến người dân thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

Nhận biết được nguyên nhân thất bại, người dân càng có niềm tin với mô hình sản xuất này và quyết tâm đầu tư trồng mới lại. Đầu năm 2023, một số người dân ở địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nấm dược liệu Chư Yang Sin, với 7 thành viên và xây dựng xưởng sản xuất, phòng cấy phôi, nuôi phôi… có diện tích 500 m2, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng tại thôn 7, xã Cư Kty.

Đại diện HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin giới thiệu về mô hình sản xuất nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo.

Bà Lê Ái Phượng, Giám đốc HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết, từ thất bại ban đầu, HTX đã tích cực học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất và được sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất phôi nấm, quy trình chăm sóc cây trồng của giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Giai đoạn sản xuất phôi nấm cũng gặp không ít khó khăn vì phải loại bỏ nhiều nguyên liệu, nhưng các thành viên không nản lòng. Sau khi mua meo nấm (phần hạt giống hay còn gọi là bào tử của nấm, được sinh ra từ cây nấm trưởng thành), HTX sử dụng thân cây keo từ 3 – 4 năm tuổi, cắt thành những đoạn có chiều dài 15 – 20 cm, xử lý các góc cạnh và bỏ vào bịch ni lông, sau đó đưa vào lò hấp ở nhiệt độ 105 – 121oC, khi thân keo nguội sẽ được rắc đều meo nấm lên toàn bộ bề mặt. Nuôi chúng trong khoảng 28 – 35 ngày, tơ nấm bám đều trên thân keo đạt 80% sẽ được mang ra trồng.

Công nhân thực hiện quy trình sản xuất phôi nấm tại Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin.

Khu vực trồng nấm cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, phải cách xa khu vực sản xuất khác, đất không chứa dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm phèn. Đất được cày bừa tơi xốp và trộn với vôi trắng để khử trùng trước khi xuống giống gieo trồng. Nấm được trồng giữa khoảng đất trống của những hàng keo và thực hiện tưới nước vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Khi trồng nấm ngoài tự nhiên sẽ tận dụng được độ mùn của lá keo trong đất, bóng râm của tán lá, giúp nấm phát triển và hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn so với trồng trong nhà. Không chỉ giúp cây nấm phát triển tốt, mô hình kết hợp này còn phòng tránh cháy rừng, tăng năng suất cho cây keo.

Tháng 5/2023, HTX đã tiến hành gieo trồng 35.000 phôi nấm trên diện tích 7 sào đất dưới tán cây keo. Nhờ thuận lợi về đất đai, khí hậu ở địa phương, sau hơn ba tháng chăm sóc đã thu được 1,5 tấn nấm tươi. Với giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/kg tươi và 1,7 – 2 triệu đồng/kg nấm khô, đã mang lại nguồn thu lớn cho HTX. Sau khi thu hoạch, những phôi nấm sẽ tiếp tục phát triển và có thể cho thu hoạch thêm hai đợt tiếp theo. Quy trình chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, kỹ lưỡng đã tạo nên sản phẩm chất lượng. Hiện HTX đang liên kết cung cấp phôi và sản phẩm nấm cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (Gia Lai). Đồng thời, tiến hành đánh giá hiệu quả, chất lượng sản phẩm để mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hướng đến hình thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán cây keo đã tạo được không gian tự nhiên cho cây nấm phát triển tốt, tận dụng khu vực trồng keo chưa thu hoạch để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Mô hình đang phát triển hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động và được địa phương kỳ vọng phát triển trong thời gian tới. Do vậy, Phòng NN-PTNT huyện đang tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện có cơ chế, giải pháp hỗ trợ theo Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025 cho HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu cho cây nấm linh chi đỏ. Đồng thời, phối hợp với HTX hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình ở những khu vực trồng cây keo tràm, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp tăng thu nhập từ mô hình.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.