Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng kho, bãi vụ mùa sầu riêng: Tiềm ẩn nhiều nỗi lo (Kỳ 2)

08:21, 29/08/2023

Kỳ 2: Phát triển kinh tế không lơ là quản lý xây dựng

Việc xây dựng kho thu mua nông sản trái quy định đã và sẽ tác động không nhỏ đến tình hình trật tự xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương các cấp. Trước thực trạng đó, chính quyền huyện Krông Pắc đang rốt ráo chấn chỉnh với quyết tâm chú trọng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với quản lý xây dựng theo quy định.

Hậu quả nhãn tiền

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, trong đó khoảng 10.000 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng năm 2022 đạt 170.000 tấn quả tươi, doanh thu trên 9.500 tỷ đồng. Vụ thu hoạch năm nay, dự kiến sản lượng sầu riêng Đắk Lắk có thể đạt trên 200.000 tấn quả. Riêng huyện Krông Pắc có khoảng 7.000 ha, trong đó có trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 56.000 tấn.

Sầu riêng được tập kết tại kho của một doanh nghiệp tại xã Ea Kênh trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Việc xây dựng ồ ạt, vượt quá hạn mức, thậm chí trái phép trên đất nông nghiệp, nếu không cương quyết xử lý ngay từ đầu thì những hệ lụy để lại rất lớn.

Thực tế, việc tồn tại các kho thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện Krông Pắc nói riêng có từ nhiều năm nay, song chưa năm nào số lượng kho xưởng lại tăng lên đột biến như năm nay.

Điều đáng bàn ở đây, ngoài một số kho bãi do chủ quyền sử dụng đất quản lý thì phần lớn kho do doanh nghiệp, cá nhân ở tỉnh ngoài vào thuê đất và xây dựng. Do vậy, công tác quản lý con người gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một số kho thu mua triển khai thu mua kết hợp với sơ chế tại chỗ sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như tại xã Ea Kênh hiện chưa có khu vực quy hoạch đổ vỏ nông sản sau khi chế biến, buộc các chủ kho phải đổ vào các bãi rác dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Chưa kể, vào chính vụ, số lượng lao động tự do từ tỉnh ngoài đến tạm trú sẽ tác động đến việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kênh Y Prung Êban, thời gian gần đây, tình trạng xây dựng kho bãi tập kết sầu riêng diễn ra khá phức tạp và hầu như không có kho nào xây dựng theo đúng quy định. Đặc biệt, do chi phí xây dựng khá cao nên phần lớn người dân cho doanh nghiệp từ các địa phương khác đến thuê đất để họ tự dựng kho. Vì thế, khi chính quyền liên hệ để làm việc, xử lý vi phạm thì họ cố tình né tránh, không ra mặt làm việc với đoàn kiểm tra. Chính vì vậy, hiện nay, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng kho bãi đang gặp nhiều khó khăn.

Kiên quyết xử lý

Trước thực trạng nhiều kho bãi tập kết, thu mua sầu riêng xây dựng mới tại địa phương, UBND huyện Krông Pắc đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.

Trong đó, giao chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả công trình đã và đang xây dựng nhà kho, nhà ở riêng lẻ, nhà kết hợp kinh doanh, kể cả công trình được UBND huyện cấp phép xây dựng.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, qua đó nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật.

Với quan điểm sai phạm đến đâu xử lý đến đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương trong quá trình tổ chức kiểm tra nếu phát hiện vi phạm phải kịp thời lập biên bản xử lý, có biện pháp đình chỉ thi công công trình và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả theo đúng quy định.

Xe container chở sầu riêng tập kết ở một sân vận động trên địa bàn huyện Krông Pắc do kho bãi doanh nghiệp không có nơi đậu.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Krông Pắc, các địa phương đã thành lập tổ kiểm tra việc xây dựng các kho bãi trên địa bàn, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm. Đơn cử như ở xã Ea Kênh, qua kiểm tra 41 kho bãi, chỉ có 21 kho được UBND huyện cấp phép xây dựng, còn lại 20 kho chưa có giấy phép, tập trung ở các thôn như: Tân Đông, Tân Quảng, Tân Thành, Tân Mỹ, Tân Trung và 2 buôn Kuaih và Ea Đun.

Với quyết tâm không nhân nhượng, đối với vi phạm thuộc thẩm quyền, địa phương đã ra quyết định xử phạt; còn với vi phạm ngoài thẩm quyền thì UBND xã báo cáo UBND huyện ra quyết định xử phạt. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ tính đến đầu tháng 8/2023, trên địa bàn xã đã có 14 trường hợp bị xử phạt vi phạm về trật tự xây dựng, với số tiền 218 triệu đồng. Hiện nay, địa phương đang lập hồ sơ kiến nghị UBND huyện tiếp tục xử lý một số cơ sở vi phạm sau khi kiểm tra.

Còn tại xã Ea Knuếc, từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 8/2023, qua kiểm tra 21 công trình, đã phát hiện 18 công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất dành cho hành lang an toàn giao thông đường bộ, sai nội dung giấy phép được cấp, trong đó phần lớn công trình xây dựng để làm nơi tập kết, thu mua sầu riêng. Qua đó, UBND xã đã ra quyết định xử phạt 14 trường hợp, với tổng số tiền trên 46 triệu đồng, còn 2 trường hợp đã lập biên bản và đang chờ xử lý. Đồng thời, đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt 2 trường hợp, với số tiền 29 triệu đồng.

Liên quan đến tình hình vi phạm về trật tự xây dựng và đất đai trong thời gian vừa qua, chỉ tính từ tháng 4/2023 đến giữa tháng 8/2023, UBND huyện Krông Pắc đã có 7 công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, việc quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai chưa được UBND các xã, thị trấn quan tâm đúng mức, vẫn còn để xảy ra tình trạng xây dựng công trình sai mục đích sử dụng đất, xây dựng không có giấy phép. Bên cạnh đó, quá trình xử lý vi phạm hành chính chưa dứt điểm, dẫn tới các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đang rà soát, thống kê các công trình xây dựng kho bãi trái phép và việc kiểm tra, xử phạt của chính quyền các xã, thị trấn để xử lý theo quy định.

Mới đây, UBND huyện Krông Pắc đã có công văn yêu cầu UBND các xã, thị trấn và bộ phận chuyên môn kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm trong hoạt động xây dựng. Kiên quyết không để phát sinh tài sản sau khi xử phạt, trường hợp cố tình tái phạm thì tiến hành lập biên bản xử lý lần 2 với tình tiết tăng nặng, tịch thu tang vật và cưỡng chế theo quy định.

Thúy Hồng – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.