Multimedia Đọc Báo in

Nhà ở đô thị: Làm sao để bảo đảm cho cuộc sống an toàn?

09:19, 24/09/2023

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ vì mức độ đặc biệt nghiêm trọng, mà còn ở cách nhìn lại thực trạng năng lực đáp ứng nhà ở cho thị dân tại đô thị lớn.

Từ những thắc mắc về năng lực quản lý, đến hiện trạng chỗ ở chật chội, vấn đề làm sao có những căn hộ, nhà ở đô thị đáp ứng yêu cầu cuộc sống an toàn cho cư dân, đã đến lúc phải được xem xét thấu đáo, nghiêm túc.

Thiếu điều kiện an toàn nơi đô thị?

Các cơ quan chức năng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã thống kê, hiện tại có đến hàng nghìn hộ gia đình sống ở những đô thị lớn này đang chen chúc trong những căn phòng, chỗ ở không bảo đảm không gian sinh hoạt tối thiểu chứ đừng nói gì đến các điều kiện khác như vệ sinh môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Do đó, con số “một triệu căn hộ cho người lao động” mà các bộ, ngành đang đưa ra chỉ là một phần rất nhỏ trong nhu cầu lớn về năng lực đô thị hóa hiện nay.

Anh Nguyễn Nguyên Long, người cùng Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam đề ra chương trình rèn luyện kỹ năng mềm của giới trẻ “Con Rồng cháu Tiên” đã có một đề xuất riêng về “sinh tồn nơi đô thị” cho các học sinh tiểu học ở đô thị, sau hàng loạt sự cố về hỏa hoạn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Anh nhìn nhận, trẻ nhỏ luôn là đối tượng bị tổn thương nghiêm trọng khi các sự cố mất an toàn xảy ra, và đáng tiếc đến nay hầu hết các đô thị lớn đều hiển hiện những nguy cơ này. Đó không chỉ là tai nạn đuối nước, giao thông khi trẻ đi ra ngoài, mà còn là tai nạn điện, té ngã, mắc kẹt ở cầu thang, hóc dị vật… trong sinh hoạt hằng ngày, và quan trọng nhất là động đất, hỏa hoạn. Đã đến lúc người lớn phải trang bị cho trẻ em những kiến thức căn bản về xử lý khi có hỏa hoạn, động đất, để giúp chúng tự bảo vệ mình an toàn và cầu cứu được với người xung quanh.

Một chung cư cao tầng ở TP. Hồ Chí Minh

“Tuy nhiên, thực tế là ngay những người lớn chúng ta cũng thiếu quá nhiều kỹ năng, ý thức bảo đảm an toàn. Từ ý thức nghiêm túc trong hành vi lối sống, như bất cẩn khi điều khiển xe cộ tham gia giao thông, đến bài trí nhà cửa sao cho thoáng khí, dễ di chuyển nếu bị sự cố… Rồi trang bị những gì về phòng và chữa cháy, chống bỏng, chống ngạt khói… khi xung quanh không có đủ những thiết bị, trang bị chuyên nghiệp?”, anh Long đặt vấn đề.

Nhận xét của anh Long cũng là câu chuyện mà nhiều người băn khoăn. Đây không phải là vấn đề mới, mà đặc biệt những năm gần đây, được cả xã hội chú ý, được các nhà quản lý yêu cầu siết chặt hơn. Không phải tự nhiên mà lực lượng cảnh sát PCCC ở các đô thị buộc phải tăng cường hệ số an toàn tại các cao trình, dự án xây dựng nhà ở, doanh nghiệp, nơi công cộng; cũng không phải tự nhiên mà các thiết bị cứu hộ như thang dây cứu hỏa, mặt nạ phòng độc được tiêu thụ nhiều lên. Một vụ hỏa hoạn đau thương tất nhiên cảnh tỉnh số đông nhanh hơn mọi lời nói cảnh báo trước đó. Nhưng nếu mọi việc chỉ dừng ở mức độ thông tin, nghị luận trách nhiệm ai đó, những sai phạm trong quá trình quản lý lâu nay, thì chắc chắn chỉ sau một thời gian, mọi thứ rồi dần bị lãng quên, sai phạm vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi lại xảy ra sự cố nào đó.

Cần chỗ ở an toàn nơi đô thị

Vấn đề đặt ra là hàng nghìn hộ dân đang sống chen chúc, thiếu các điều kiện an toàn tại những đô thị lớn, có ý thức được nguy hiểm của mình không? Sự thật là họ quá biết, nhưng không có cách nào cải thiện. Bởi điều kiện thu nhập, mưu sinh cuộc sống hằng ngày đã vắt kiệt những cơ hội, suy nghĩ về trách nhiệm an toàn đó. Không ít gia đình trí thức, công chức đang ở trong những căn hộ chật hẹp đó thừa nhận, đến ước muốn mua sẵn một vài mặt nạ chống ngạt khói để ở nhà phòng ngừa cho cả gia đình, họ đã từng nghĩ đến song vẫn không làm được. Vì thiếu tiền, thiếu thông tin tư vấn chọn lựa… và nhiều lý do khác.

Hiện trạng những chung cư mini cũng cho thấy, không phải người dân không rõ mức độ nguy cơ khi sống chung trong một không gian chật chội, bịt bùng. Có điều, mức thu nhập, hoàn cảnh sống của họ có cho phép lựa chọn nào khác? Kể cả khi các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện hàng trăm chung cư mini đang hiện hữu, đầy rẫy nguy hiểm, thì liệu có thể buộc đóng cửa không, vì sẽ có hàng nghìn hộ dân không biết di chuyển về đâu?

Những căn hộ chen chúc nơi đô thị.

Mà bản thân các căn hộ trong chung cư mini này, cũng là một “nạn nhân” của tình trạng lắp ghép, pha trộn công trình đô thị nằm ngoài các quy hoạch. Đó chỉ là những ngôi nhà có diện tích sử dụng rộng hơn bình thường, có thể cơi nới, bố trí nhiều phòng nhỏ sinh hoạt tiện nghi hơn phòng ngủ khách sạn hay nhà trọ, dễ được chọn lựa với những hộ gia đình có thu nhập trung bình. Những căn hộ này tất nhiên không đủ không gian, an toàn như các chung cư được quy hoạch, song giúp giải quyết nhu cầu an cư thuận lợi hơn. Nên dù biết chen chúc, nguy hiểm rình rập từ chính ổ cắm sạc điện dưới các tầng hầm cho đến khung sắt an ninh trên tầng thượng, người ta vẫn đành chấp nhận, và qua thời gian sinh sống, thấy không có chuyện gì thì thái độ thờ ơ càng tăng lên.

Những vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra gần đây đang cảnh báo trách nhiệm quy hoạch, giám sát quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn. Buôn Ma Thuột cũng là một đô thị trong bối cảnh này, rất cần có những điều chỉnh, xem xét kỹ càng hơn về hiện trạng phát triển diện tích nhà ở cho thị dân. Đây là lý do để thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk quyết liệt hơn trong chỉ đạo xây dựng thêm những dự án nhà ở đô thị mới, cụ thể là các căn hộ chung cư, nhà ở xã hội tại địa bàn. Với kiến trúc, diện tích phù hợp, bố trí điều kiện sinh hoạt, không gian, an toàn PCCC, môi trường đầy đủ, và nhất là giá sở hữu không cao, các căn hộ chung cư mới hy vọng sẽ là lựa chọn cho người dân, đông đảo người lao động tại Buôn Ma Thuột có thêm chỗ ở bình yên giữa lòng đô thị.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc