Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo hiểm họa cháy nhà ở khu dân cư đô thị

08:13, 17/05/2021

Nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường nếu xảy ra cháy nổ. Gần đây, đã có không ít vụ cháy nhà ở trong khu dân cư đô thị gây thiệt hại lớn về người, tài sản xảy ra tại một số thành phố lớn trong cả nước. Đây là hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

 "Hiểm họa nhà không lối thoát"

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) - Công an tỉnh, trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 51 vụ cháy, trong đó gần 50% số vụ là cháy nhà ở nơi đô thị và nhà ở kết hợp với kinh doanh. Rất may mắn là không có vụ cháy nào gây thiệt hại về người.

Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng PCCC - CNCH - Công an tỉnh cho biết, khi tìm hiểu và phân tích nguyên nhân các vụ cháy nhà, nhận thấy còn tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn nơi nhà ở đô thị và nhà ở kết hợp với kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể: Nhà ống là kiến trúc phổ biến tại khu dân cư đô thị phù hợp với việc kết hợp vừa ở vừa kinh doanh, nhưng thường chỉ có một lối ra vào duy nhất nên nếu chẳng may xảy ra cháy, nhất là khi đám cháy bùng lên phía cửa thường chắn lối thoát hiểm khiến người trong nhà khó có thể thoát ra ngoài được.

Một vụ cháy nhà dạng ống xảy ra vào tháng 2-2021 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Một vụ cháy nhà dạng ống xảy ra vào tháng 2-2021 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Nhìn lại những vụ cháy nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong vòng hơn một tháng trở lại đây làm thiệt hại nhiều người, tài sản, gây rúng động xã hội, có thể thấy hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thêm một yếu tố nữa là do chủ nhà chưa thật sự quan tâm đến an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống. Vì vậy, việc sắp xếp đồ đạc dễ cháy trong gia đình chưa phù hợp; không thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thu dọn vật liệu dễ cháy và quản lý thiết bị điện, các thiết bị có thể phát sinh cháy; không trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm và bình chữa cháy xách tay trong gia đình.

Kỹ năng PCCC trong hộ gia đình

Từ những nguyên nhân trên, để hạn chế các vụ cháy từ nhà ở kết hợp nơi kinh doanh buôn bán và giảm thiểu tối đa mức thiệt hại từ các vụ cháy xảy ra mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện những khuyến cáo về PCCC. Đó là cần quản lý tốt nguồn nhiệt như: nơi đun nấu, thắp hương thờ cúng, khi sử dụng các phương tiện dùng điện (bàn là, quạt, lò sấy, lò sưởi, bếp điện, sạc pin); cần có thiết bị chống quá tải, chập mạch; không nên cắm quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; nhớ tắt hết thiết bị điện, nơi đun nấu... trước khi đi ngủ hay ra khỏi nhà. Cùng với đó, người dân cần sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế tàng trữ xăng dầu, gas trong nhà; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất là 0,5m; không nên để các vật dễ cháy chắn trước lối đi vào nhà sẽ chặn mất nơi thoát hiểm. Nên đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas; bình chữa cháy xách tay…, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. 

Thực tập thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn cho cư dân ở Khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai, TP. Buôn Ma Thuột.
Thực tập thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn cho cư dân ở Khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai, TP. Buôn Ma Thuột.
 
"Khi xảy ra hỏa hoạn hãy gọi điện báo ngay cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114. Nếu có người mắc kẹt trong đám cháy cần thông tin chính xác cho lực lượng chữa cháy số lượng, tình trạng và vị trí người bị nạn để họ được cứu giúp nhanh nhất".
 
Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng PCCC - CNCH, Công an tỉnh

Với nhà cao tầng không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên…

Theo Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng PCCC - CNCH, trong các vụ cháy có thiệt hại về người, nguyên nhân chủ yếu gây chết là do ngạt khói khí độc trước khi chết cháy. Vì vậy, trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm thì nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây, hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp, tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp không còn lối thoát nào khác thì dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.