Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

06:54, 14/09/2023

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk được xem là địa bàn hoạt động “nóng” của các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về điều kiện kinh doanh, gian lận thương mại...

Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng này vẫn diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Phát hiện nhiều vi phạm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389) trong năm 2022, các đơn vị thành viên đã xử lý 3.202 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng số tiền thu qua xử lý hơn 123,6 tỷ đồng (trong đó, xử lý hình sự 39 vụ, xử phạt hành chính 3.163 vụ). Hàng hóa vi phạm chủ yếu là gỗ, pháo nổ, thuốc lá, thực phẩm chức năng, phân bón, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… Riêng trong 8 tháng năm 2023, lực lượng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh xử lý 585 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 736 triệu đồng, thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 4,8 tỷ đồng.

Điển hình như rạng sáng 1/8/2023, tại tuyến Quốc lộ 14 (đoạn qua địa bàn xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), Đội QLTT số 1 (Đội 1) phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh phát hiện ô tô tải BKS 50C-148.79 do tài xế Nguyễn Anh Tuấn (trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) điều khiển chở 700 bao thuốc lá JET nhập lậu. Trước đó, ngày 12/4/2023, Đội 1 kiểm tra cửa hàng bán điện thoại di động trên đường Điện Biên Phủ (TP. Buôn Ma Thuột), phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vụ việc đã được Cục QLTT tỉnh ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng, tịch thu 10 điện thoại di động bán chỉ định không qua đấu giá với số tiền 60,2 triệu đồng.

Hiện nay, các hành vi vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng còn được công khai trên các website, sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội... gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và niềm tin của người tiêu dùng. Theo ông Hoàng Nguyễn Khương Duy, Tổ trưởng Tổ TMĐT - Cục QLTT tỉnh, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên không gian mạng thường thành lập các nhóm kín, livestream bằng những tài khoản Facebook, Zalo ảo; cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến... gây khó khăn đối với công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng.

Đội Quản lý thị trường số 1 ra quân kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trước Tết Trung thu.

Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho rằng, công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn bởi phương thức, thủ đoạn của gian thương rất tinh vi và đa dạng, thậm chí có sử dụng công nghệ, kỹ thuật làm ra hàng giả, hàng nhái giống y hàng thật. Để xác định được chất lượng hàng hóa thì phải thử nghiệm, đối chứng và có kết luận giám định rõ ràng. Trong khi đó, các trung tâm giám định lại ở xa (TP. Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh), thời gian gửi mẫu và nhận kết quả giám định có thể kéo dài trên 20 ngày, ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý, chưa kể là kinh phí thử nghiệm lớn. Thứ nữa là hiện nay, hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... thiếu thống nhất, chưa cụ thể, khó áp dụng thực hiện.

Cần sự quyết liệt từ nhiều phía

Đề cập đến các giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Vương Minh Sơn khẳng định: Mặc dù trong cuộc chiến chống hàng giả và gian lận thương mại, lực lượng QLTT chủ trì và chịu trách nhiệm chính, nhưng sự tham gia và phối hợp của các địa phương, cơ quan an ninh, công an, hải quan, thuế… hết sức quan trọng. Các đơn vị chức năng cần chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong đội ngũ các cơ quan quản lý nhà nước về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin trên bao bì sản phẩm trước khi chọn mua.

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát khâu tiêu thụ hàng hóa; có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…; tích cực liên kết giữa các nhà sản xuất và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương trong đấu tranh chống hàng giả. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”; hình thành thói quen tẩy chay hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Theo ông Sơn, bên cạnh những giải pháp nêu trên thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải được xác định là then chốt và cần rốt ráo thực hiện. Có như vậy, cuộc chiến này mới đạt hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.