Multimedia Đọc Báo in

Phải “tỉnh” để “nhìn xa”

08:22, 20/09/2023

Chưa khi nào giá sầu riêng khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng lại tăng cao như niên vụ 2023. Đây là niềm vui lớn của người nông dân nơi đây, song việc “say” trong "ma trận" giá đang khiến nhiều nông dân đứng trước nguy cơ “tham bát bỏ mâm”.

Nhức nhối nạn nông dân "bẻ kèo"

Sau khi sầu riêng được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch thì giá trị của ngành này ngay lập tức gia tăng nhanh chóng, kéo theo sự tham gia của nhiều đơn vị thu mua mới. Điều này dẫn đến việc tranh mua, tranh bán giữa các mắt xích trong ngành hàng.

Ông Vũ Hoàng Huynh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên cho biết, để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, công ty đã xây dựng chính sách liên kết, hỗ trợ đối với các hợp tác xã (HTX), người dân ở các địa phương. Đồng thời, công ty cam kết sẽ thu mua, bao tiêu 100% sản lượng với mức giá 65.000 – 80.000 đồng/kg (theo giá lên/xuống của thị trường). Tuy nhiên, khi đến thời điểm thu hoạch, giá sầu riêng tăng "nóng", nhiều nhà vườn đã phá vỡ hợp đồng, cắt bán quả đẹp ra ngoài, còn quả xấu thì yêu cầu công ty phải thu mua. “Sự mất uy tín của các nhà vườn khiến việc liên kết lâu dài của DN với nông dân sẽ có thể tạm dừng ở những mùa vụ tiếp theo”, ông Huynh bức xúc.

Nhân công của một đơn vị thu mua đang cắt trái tại vườn của hộ dân trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Không chỉ DN mà ngay ở các HTX cũng "đau đầu" vì các thành viên sẵn sàng bán sản phẩm cho người nào mua với giá cao hơn mà không tuân thủ theo những cam kết với đối tác liên kết, hỗ trợ từ đầu. Bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ bền vững Tấn Khang (huyện Cư M’gar) chia sẻ, từ những ngày đầu thành lập, đơn vị đã chủ động liên kết với những hộ đã có kinh nghiệm làm vườn, có diện tích lớn để xây dựng mã vùng trồng. Nhưng đến khi thu hoạch niên vụ 2023, do biến động về giá quá mạnh, có đến hơn 70% hộ liên kết không thực hiện theo cam kết với HTX. Họ tự ý thỏa thuận bên ngoài với giá cao hơn, sẵn sàng chạy theo lợi nhuận trước mắt hơn là theo con đường bền vững.

Đừng tự “lấy dây buộc mình”

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích sầu riêng hiện nay ở Tây Nguyên là hơn 50.000 ha, chiếm khoảng 47% tổng diện tích cả nước. Riêng Đắk Lắk, tính đến tháng 6/2023 có hơn 28.000 ha sầu riêng, với sản lượng ước tính vụ 2023 khoảng 200.000 tấn. Mặc dù diện tích, sản lượng lớn, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ và thuộc quản lý của các nông hộ nên việc thu mua sản phẩm của các DN phụ thuộc rất nhiều vào nông dân và thương lái. Do vậy, khi thị trường tăng "nóng", không ít nông dân và thương lái bắt tay nhau để “thao túng” DN. Điều này, thoạt nhìn tưởng là thời cơ của nông dân, nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cũng như dấy lên nhiều lo ngại khi diện tích thu hoạch mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đang có.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch sầu riêng.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, chỉ riêng Đắk Lắk, hiện mới có 1/3 diện tích cho thu hoạch trái. Dự tính sau 5 năm nữa, toàn bộ diện tích đang phát triển hiện tại sẽ cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng của tỉnh sẽ tăng lên 400.000 – 500.000 tấn/vụ. Khi đó liệu giá sầu riêng có còn cao như hiện nay và sản phẩm của những diện tích nhỏ lẻ không liên kết liệu có bảo đảm được đầu ra? Trong khi đó, một thách thức lớn hơn đang chờ phía trước, đó là diện tích sầu riêng của Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á không ngừng gia tăng. Tương lai thị trường sầu riêng sẽ có nhiều biến động khi các trang trại sầu riêng có quy mô hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn héc-ta của những DN lớn đến thời kỳ thu hoạch.

Rõ ràng, đây là điều rất bất lợi cho những nông hộ có diện tích nhỏ, bởi những sản phẩm đến từ các trang trại lớn, nơi có quy trình canh tác và hệ thống kiểm soát chất lượng bài bản sẽ được thị trường lựa chọn thu mua với giá tốt. Vì vậy, trong bối cảnh bất ổn về giá cả thị trường như hiện nay, các nhà vườn Tây Nguyên - Đắk Lắk không nên “say” với thời cơ trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.