Multimedia Đọc Báo in

Tiềm năng phát triển gạo hữu cơ

09:30, 02/09/2023

Nỗ lực đổi mới và kiên trì với hành trình phát triển lúa, gạo, HTX Giảm nghèo Ea Súp (huyện Ea Súp) đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Trong đó, giống lúa Briêt được HTX đặt nhiều kỳ vọng.

Sau khi rút kinh nghiệm từ vụ sản xuất trước, HTX tiếp tục phối hợp với người dân, lựa chọn khu vực phù hợp đưa giống lúa Briêt vào gieo trồng.

Trong đó, yếu tố đầu tiên HTX đặt ra là phải đảm bảo về khu vực cách ly và nguồn nước tưới, vì vậy, cánh đồng lúa thuộc Tiểu khu 206 (xã Ya Tờ Mốt) được lực chọn triển khai. Khu vực này được bao quanh bởi vườn điều, cao su nên cách biệt với những cách đồng lúa khác và sử dụng nước suối để tưới tiêu nên đất đai màu mỡ, giảm tình trạng sâu bệnh hại, giúp cây lúa phát triển tốt; đồng thời, người dân ở đây rất tích cực phối hợp, liên kết với HTX xây dựng mô hình.

Nhờ đó, HTX đã thực hiện thành công mô hình sản xuất giống lúa Briêt theo quy trình hữu cơ với Tiêu chuẩn hữu cơ JAS (Nhật Bản) và giúp sản phẩm gạo Briêt đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.

Nông dân đang chăm sóc lúa Briêt theo quy trình hữu cơ.

Vừa qua, HTX Giảm nghèo Ea Súp còn được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm trồng, làm khô, xay xát, bao gói lúa gạo Briêt trên diện tích 3 ha, sản lượng lúa tươi ước đạt 33 tấn/năm. Đồng thời, QUACERT đánh giá và chứng nhận đang trong thời gian chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn TCVN 11041-1: 2017; TCVN 11041-2: 2017; TCVN-5: 2018 đối với phạm vi trồng, làm khô, xay xát, bao gói lúa gạo trên diện tích 5,5 ha khác, sản lượng tươi ước đạt 61 tấn/năm, thời gian chuyển đổi trong vòng 12 tháng.

Gia đình ông Hà Văn Tân (thôn 11, xã Ya Tờ Mốt) là hộ dân sản xuất thành công giống lúa Briêt trên diện tích 3 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Ông Tân chia sẻ: “Ban đầu thực hiện mô hình, gia đình cũng khá bỡ ngỡ vì lúa hữu cơ sinh trưởng dài ngày hơn so với các giống lúa khác, do sử dụng hoàn toàn bằng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nên quy trình chăm sóc rất kỹ lưỡng, kỳ công. Tuy nhiên, trồng lúa hữu cơ cũng có nhiều thuận lợi, chỉ cần bón phân hai lần trong suốt quá trình chăm sóc. Với giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện tại, gia đình giảm chi phí đầu tư khoảng 40% so với trồng lúa thông thường. Trung bình năng suất lúa đạt 7 – 8 tạ/sào, được HTX bao tiêu với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn so với giá lúa thông thường gấp 1,5 lần. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình có lợi nhuận 30 triệu đồng/ha. Với giá bán cao, đầu ra ổn định, nên gia đình rất yên tâm và đang tiếp tục chuyển đổi trồng hữu cơ cho 2,5 ha lúa còn lại tại khu vực này”. Hiện ông Tân đang vận động người dân canh tác trên cánh đồng Tiểu khu 206 tích cực chuyển đổi sản xuất hữu cơ tập trung và thành lập tổ hợp tác để thuận lợi cho quá trình chăm sóc, quản lý đồng ruộng.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp, đơn vị đang phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Naomi và HTX Thành công Ea Lê để xây dựng thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo địa phương, tích cực phát triển sản phẩm chuyên sâu chế biến từ gạo Briêt, như: bún, phở, thanh lứt… Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết người dân tăng diện tích gạo Briêt lên 25 ha và mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng lúa, gạo địa phương, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. 

Mô hình trồng lúa Briêt đạt Chứng nhận hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp Nguyễn Bá Bân cho biết, địa bàn huyện Ea Súp có hơn 14.000 ha sản xuất lúa, trong đó, có 7.200 ha lúa sản xuất 2 vụ, tổng sản lượng trung bình đạt khoảng 160.000 tấn/năm. Sản phẩm lúa đạt Chứng nhận hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp dù mới là diện tích nhỏ so với tổng diện tích sản xuất lúa toàn huyện, tuy nhiên đây là bước khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề cho việc sản xuất lúa, gạo chất lượng cao của huyện. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Để đạt được mục tiêu chung, các HTX trên địa bàn và người dân cần tiếp tục đồng lòng, tạo bước tiến mới, chính quyền địa phương cũng sẽ có những chính sách cụ thể hơn để đồng hành cùng người dân nhân rộng các mô hình có chứng nhận sản xuất hữu cơ, tập trung phát huy tiềm năng lớn về sản xuất lúa, gạo của huyện.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.