“Chìa khóa” thoát nghèo cho vùng dân tộc thiểu số
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 667 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 35,7% dân số; trong đó có gần 36 nghìn hộ nghèo, chiếm gần 65,8% số hộ nghèo toàn tỉnh.
Bởi vậy, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đắk Lắk rất quan tâm đến chính sách tín dụng cho người dân vùng DTTS để tạo điều kiện giúp họ cải thiện sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trao “cần câu” cải thiện sinh kế
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, với dân số hơn 106 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 42%. Nhiều năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, buôn tích cực rà soát những hộ DTTS đủ điều kiện để nhanh chóng triển khai, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay đã có 4.848 hộ DTTS được vay vốn, với tổng dư nợ gần 173 tỷ đồng.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời, nhiều hộ DTTS trên địa bàn huyện đã thay đổi tư duy sản xuất, từng bước cải thiện sinh kế. Đơn cử, năm 2020, gia chị H'Tuôn Kuan (buôn Kluôt, xã Ea Trul) vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo để mua phân bón, cải tạo đất chăm sóc 2 sào cà phê và mua 3 con trâu. Sau một thời gian, cây cà phê phát triển tốt, trâu của gia đình lớn nhanh, chị mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng để phát triển đàn trâu. Hiện gia đình chị có 5 con trâu cái sinh sản, mỗi năm đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán nghé và cà phê.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của gia đình ông Y Plô Ênuôl (buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu). |
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin cũng chú trọng việc giải ngân vốn vay thông qua các chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS. Đặc biệt là đồng bào DTTS vay theo diện hộ cận nghèo bởi họ đã thoát nghèo, nhưng chưa bền vững. Hiện nay, dư nợ cho vay hộ DTTS tại đơn vị là 158,8 tỷ đồng, với 4.834 hộ vay vốn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc giám sát các hộ vay vốn nên hầu hết đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Điển hình như gia đình ông Y Plô Ênuôl (buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu) có 5 sào trồng cà phê xen hồ tiêu, nhưng đất đai đã bạc màu do canh tác lâu năm. Năm 2017, được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin hỗ trợ vay 90 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo, ông mua phân bón, cải tạo đất để tái canh cà phê xen hồ tiêu. Niên vụ 2022, gia đình ông thu bói gần 1 tấn cà phê nhân, bán được với giá 40 nghìn đồng/kg và 1 tấn hồ tiêu, bán với giá 90 nghìn đồng/kg. Ông Y Plô cho hay: “Nhờ số vốn vay tín dụng chính sách "tiếp sức", kinh tế gia đình tôi đã cải thiện. Tuy nhiên, việc tái canh sản xuất cần nhiều chi phí nên tôi mong muốn được xem xét nâng hạn mức cho vay để đầu tư thêm”.
Tương tự, năm 2021, gia đình chị H’Huệ Bkrông (buôn Blay Năm, xã Ea Ktur) được vay 60 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Chị dùng số tiền này đầu tư phân bón chăm sóc 2 sào cà phê và nuôi 5 chuồng dế. Chị H’Huệ chia sẻ: Mỗi chuồng dế đầu tư hết khoảng 500 nghìn đồng để mua thức ăn, con giống. Sau gần hai tháng nuôi, dế sẽ xuất bán được. Nếu đạt, mỗi chuồng thu được 15 kg, bán với giá 70 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi chuồng dế chị lãi hơn 500 nghìn đồng. Thời gian tới, chị mong muốn được tiếp tục hỗ trợ vay vốn để nuôi thêm 5 chuồng dế nhằm mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Mô hình nuôi dế của gia đình chị H’Huệ Bkrông (buôn Blay Năm, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin). |
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả
Theo Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk, nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình tín dụng ưu đãi cho đồng bào DTTS vùng khó khăn, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các địa phương triển khai nguồn vốn đến từng đối tượng thụ hưởng chính sách kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị còn quan tâm đến việc vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Kết quả, đến nay có hơn 1.175 khách hàng là đồng bào DTTS vay vốn, với tổng dư nợ trên 63,6 tỷ đồng. Trong đó, có trên 100 khách hàng vay hỗ trợ nhà ở, hơn 100 hộ dân vay phát triển đất sản xuất và trên 950 người chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk cho biết: Đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt cơ chế và chính sách cho vay đối với hộ đồng bào DTTS; thủ tục, quy trình, hồ sơ bảo đảm cho các hộ được tiếp cận vốn vay nhanh, thuận lợi và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát nên nguồn vốn vay phát huy hiệu quả. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan rà soát đối tượng, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời để người dân được tiếp cận nguồn vốn trong thời sớm nhất.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc