Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những doanh nhân tiêu biểu

07:09, 12/10/2023

Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân Đắk Lắk không ngừng lớn mạnh. Một số doanh nhân với bản lĩnh và cách làm đột phá đã tạo được sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà vươn ra thế giới. Nhiều doanh nhân cũng tích cực chung tay với địa phương trong công tác an sinh xã hội.

Người “cắm cờ” cà phê đặc sản Việt Nam trên thế giới

Trong ngành hàng cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) nổi tiếng bởi đã đưa doanh nghiệp (DN) này trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu cả nước. Ông cũng được biết đến là người đã đặt nền móng, dẫn dắt và đưa mặt hàng cà phê đặc sản Robusta của Việt Nam ra thế giới.

Theo ông Huy, sản phẩm cà phê muốn gia tăng giá trị thì phải có chất lượng cao. Khoảng 10 năm trước, chất lượng cà phê Việt Nam không  ổn định nên việc nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Để thay đổi điều này, không có cách nào khác là phải làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Từ cách nhìn nhận đó, năm 2014, ông Huy và Simexco DakLak bước vào lĩnh vực này. Ban đầu, công ty đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã sản xuất cà phê đặc sản với quy mô nhỏ. Sản lượng mặt hàng này năm đầu tiên chỉ có 5 tấn, DN vừa sản xuất, vừa hoàn thiện cách làm và tìm kiếm thị trường. Niên vụ 2022 – 2023, sản lượng cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản đã đạt 600 tấn, xuất đi nhiều quốc gia, với giá cao hơn từ 100 – 200% so với thị trường. Đặc biệt có 2 tấn cà phê đặc sản được đấu giá đến 700 triệu đồng, là lô cà phê Robusta đắt nhất thế giới.

Doanh nhân Lê Đức Huy (thứ hai từ phải sang) trong một sự kiện về cà phê tại Thụy Sĩ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Huy cho biết, trong 1,8 triệu tấn cà phê của Việt Nam, sản lượng cà phê đặc sản chỉ đạt 3.000 tấn, nên dư địa phát triển còn rất lớn. Bên cạnh đó, xu hướng các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu thì cà phê thương mại chững lại, cà phê đặc sản tăng mạnh. Thời gian tới, Simexco DakLak sẽ tiếp tục tăng 50% sản lượng chế biến hằng năm, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại trong nước và thế giới để “cắm cờ” cà phê đặc sản Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, để cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng thành thương hiệu quốc gia thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quan tâm, dành nguồn lực cho nông dân, nhà rang xay, pha chế, kích thích người tiêu dùng, kết nối nhà rang xay quan tâm nhiều hơn đến cà phê đặc sản, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt.

Mới đây, Simexco DakLak được vinh danh là "Doanh nghiệp xuất sắc châu Á", ông Lê Đức Huy được vinh danh "Doanh nhân xuất sắc châu Á". Ông Huy được tôn vinh vì đã dẫn dắt DN chuyển mình trong cuộc đua chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu trở thành DN đầu tàu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn ngành xuất nhập khẩu cà phê.

Phát triển doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội

Ở cương vị quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH Xăng dầu Nam Tây Nguyên, doanh nhân Phan Quốc Nhân luôn thấm nhuần triết lý “phát triển DN gắn liền với trách nhiệm xã hội”. Vì vậy, ông Nhân chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và DN với xã hội, cộng đồng bằng những đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội.

Bên cạnh việc trích một phần quỹ phúc lợi và chi phí lợi nhuận kinh doanh của đơn vị, với vai trò là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty, hằng năm ông phát động cán bộ, công nhân viên đóng góp 3 ngày lương/người nhằm xây dựng quỹ xã hội từ thiện thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Nổi bật là hoạt động hỗ trợ làm nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo đã góp phần cùng địa phương trong thực hiện tiêu chí xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ năm 2020 đến nay, ông Nhân và công ty đã ủng hộ 4,8 tỷ đồng để xây dựng 60 căn nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho các gia đình khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ông Nhân cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sinh kế cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa thông qua việc tặng vật nuôi, cây giống, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Ông Phan Quốc Nhân (thứ hai từ trái sang) trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa cho hộ nghèo ở xã Yang Tao, huyện Lắk. Ảnh: T. Mai

Ngoài ra, ông Nhân còn làm tốt vai trò cầu nối, tham mưu Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng trường mầm non tại huyện Cư M’gar, Krông Búk và nhà ở cho cựu thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 8 tỷ đồng.

Với vai trò là thành viên Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, bản thân ông Nhân đã làm tốt công tác hỗ trợ và vận động sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, với số tiền hàng tỷ đồng để trao tặng quà, học bổng, xây nhà Tình thương cho người khuyết tật, trẻ mồ côi…

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng duy trì thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động xã hội, từ thiện khác với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của cán bộ, công nhân viên công ty như: ủng hộ phong trào “Tết nhân ái”, vì nạn nhân chất độc da cam, đồng bào miền Trung bị bão lũ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm lo đời sống cho bà con buôn kết nghĩa; tham gia hiến máu nhân đạo… Năm 2021, ở thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, cá nhân ông Nhân và tập thể công ty đã ủng hộ 800 triệu đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 của tỉnh; hỗ trợ 200 triệu đồng cho các đơn vị y tế tuyến đầu mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.

Minh Chi – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.