Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp cần gì?

09:18, 12/10/2023

Trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy họ rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt để có thể ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnhCần chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nghiệp

 

Tình hình suy giảm kinh tế thế giới đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.  Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, lãi suất vẫn đang ở mức cao, nhiều DN không dám đầu tư, kinh doanh.  Song cũng phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế là số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, hiệu quả hoạt động chưa tốt. Chính vì thế, các cấp chính quyền cần có thêm những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển văn hóa DN để trở thành một lợi thế cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện để các công ty, DN có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng rất cần được quan tâm.

Ông Trương Hoàng Ký, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Ký: Doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận khoa học - công nghệ

.

Công ty tôi đang tập trung phát triển mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với rất nhiều thị trường tiềm năng; đồng thời mong muốn xây dựng được một khu du lịch sinh thái gắn với đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, hiện DN của tôi đang gặp một số khó khăn như: thiếu cơ sở vật chất hiện đại, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, khó tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại... Vì vậy tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành có những định hướng và những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN, nhất là những chính sách chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.

Ông Tống Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Nông sản Minh Tâm: Phải làm sao để thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp

 

 

Là một trong những DN đầu tư chế biến sâu về ngành sầu riêng, tôi nhận thấy còn một số vấn đề mà ngành sầu riêng Đắk Lắk chưa thực sự sâu sát với DN. Mặc dù đã thành lập được Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nhưng tình trạng mua bán vẫn diễn ra lộn xộn, bỏ cọc, tăng tiền hoặc xin giá sau khi ký hợp đồng vẫn xảy ra. Chính quyền, các ban, ngành và Hiệp hội cần có sự vào cuộc tích cực hơn để tư vấn về pháp lý pháp luật cho cả nông dân và DN thu mua. Bên cạnh đó, tỉnh ta vẫn chưa có cơ chế ưu đãi hơn cho những DN phát triển, khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Theo tôi, về các loại giấy phép, đất nông nghiệp… tỉnh ta nên xin một cơ chế đặc thù, đặc biệt hơn để thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp trên quê hương.

Ông Tạ Minh Phụng, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Thịnh Phát: Cần có thêm các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương

 

Là một doanh nhân, tôi luôn nỗ lực để phát triển DN, chăm lo cho công nhân của công ty mình. Bởi vậy, tôi rất mong muốn tỉnh tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh thành khác để mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể như trao đổi kinh nghiệm quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN; tạo “cầu nối” thúc đẩy hợp tác giữa các DN thuộc Hội Doanh nhân trẻ trong và ngoài tỉnh. Từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nhân trẻ hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được tăng cường các hoạt động đối thoại với địa phương để tham gia xây dựng chính sách của doanh nhân. Bởi hơn ai hết, doanh nhân rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi và không ai hiểu môi trường kinh doanh bằng chính họ.

                     Thùy Huyền - Hằng Nga (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc