Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Nhiều giải pháp hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP

08:22, 05/10/2023

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Ea Kar đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp nâng cao giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình OCOP, hiện huyện Ea Kar có 9 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (2 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao). Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện Ea Kar sẽ có thêm 12 sản phẩm được công nhận OCOP.

Để đạt được kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của các chủ thể, các ban, ngành của huyện Ea Kar đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các cá nhân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trực tiếp làm ra những sản phẩm OCOP. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, DN, HTX về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể; tư vấn, hỗ trợ chủ thể thiết kế mẫu mã, bao bì, in tem nhãn, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc… giúp hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất Thái Đăng của HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar (thôn 14, thị trấn Ea Knốp) đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Ngoài ra, để giúp các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, huyện Ea Kar cũng đã tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến…

 

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Ea Kar phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 35 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 4 - 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar (thôn 14, thị trấn Ea Knốp) hiện có 65 thành viên và liên kết cùng 180 hộ dân trồng ca cao trên địa bàn huyện, với tổng diện tích gần 200 ha. Trước đây, HTX chủ yếu cung cấp hạt ca cao lên men cho các công ty chuyên sản xuất sô cô la. Tháng 11/2021, từ nguồn kinh phí khuyến công của địa phương, HTX được hỗ trợ 130 triệu đồng để đầu tư máy nghiền và máy ép bơ ca cao, qua đó đã giúp HTX chủ động trong khâu chế biến và hoàn thiện quy trình sản xuất. Ngoài ra, HTX còn được Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ thiết kế lại mẫu mã, tem nhãn, bộ nhận diện thương hiệu… Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, sản phẩm bột ca cao nguyên chất Thái Đăng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Bà La Thị Thùy Linh, thành viên Ban Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar cho biết, việc có sản phẩm đạt OCOP 3 sao đã giúp hoạt động kinh doanh của đơn vị trở nên thuận lợi hơn. Sản lượng ca cao xuất ra thị trường đạt từ 300 - 400 kg/tháng, cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Đến nay, sản phẩm ca cao của HTX không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Công ty TNHH MTV Cà phê An Thịnh Phát (thôn 13, thị trấn Ea Knốp) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hạt điều rang muối tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Tương tự, có mặt trên thị trường từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Cà phê An Thịnh Phát (thôn 13, thị trấn Ea Knốp) đã đầu tư vốn xây dựng khu nhà xưởng, hệ thống máy móc (máy chẻ hạt điều, lò rang) phục vụ cho việc chế biến hạt điều rang muối. Cùng với đó, công ty cũng đã chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã, bao bì, gắn mã truy xuất nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Do đó, đến cuối năm 2021, sản phẩm hạt điều rang muối của công ty đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ông Tạ Minh Phụng, Giám đốc công ty chia sẻ: “Từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm hạt điều rang muối của công ty nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhờ nhận được sự hỗ trợ, kết nối từ phía Phòng NN-PTNT huyện, công ty có cơ hội tham gia vào các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, địa phương còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai những giải pháp đồng bộ hỗ trợ các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung hướng dẫn, khuyến khích các chủ thể triển khai sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng (như ISO, HACCP) để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường; ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng vượt trội và mang tính bền vững để phát triển thành sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận, xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; đồng thời hỗ trợ chủ thể tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử)...

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.