Multimedia Đọc Báo in

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp: Phát huy vai trò “cầu nối” của hợp tác xã

07:00, 30/10/2023

Trong nông nghiệp, muốn có hiệu quả và tăng giá trị thì phải “bắt tay nhau” để sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ và có sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN). Tại Đắk Lắk, xu hướng này cũng đã được áp dụng và mang lại hiệu quả.

Liên kết sản xuất để cùng hưởng lợi

Trên địa bàn huyện Cư M’gar có 51 HTX và 14 tổ hợp tác đang hoạt động. Đến nay, đã có 5 HTX và 8 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất với DN. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các mô hình liên kết mang lại lợi ích lớn cho nông dân và HTX, tổ hợp tác trong việc giảm chi phí sản xuất, sản xuất trên quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều, canh tác bền vững và thị trường tiêu thụ ổn định.

Một trong những đơn vị đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao tại địa phương này là HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết. HTX đã kết nối 97 nông dân sản xuất 200 ha cà phê, sản lượng hằng năm hơn 700 tấn với Công ty TNHH Dakman Việt Nam để sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade (FLO) và sản phẩm được DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho HTX và nông dân.

Thời gian qua, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) cũng đã xây dựng được mối liên kết với nông dân, HTX về sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm ca cao. Công ty đã liên kết với hai HTX ở huyện Ea Kar và một tổ hợp tác ở huyện Krông Ana để hình thành vùng chuyên canh ca cao có sự tham gia của 200 nông hộ, với diện tích 250 ha, sản lượng 200 tấn hạt/năm.

Trong chuỗi liên kết này, nông dân được hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, lên men sơ chế ca cao và bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn 20% so với thị trường. Về phía DN có lợi là nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng phục vụ cho sản xuất, bảo đảm yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu cơ hội liên kết với Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp (huyện Ea Súp). Ảnh: P.Thảo

Toàn tỉnh hiện có 150 HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN, 276 trang trại, gia trại liên kết với DN. Các chuỗi liên kết có sự tham gia của DN, HTX và nông dân, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, lúa gạo, sầu riêng…

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đã có 114 chuỗi liên kết sản xuất được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng và 10 chuỗi sản xuất do DN và người dân tự liên kết.

 

“Các HTX phải có đội ngũ cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm; thành viên HTX thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ của mình. HTX nông nghiệp phải trăn trở, chăm lo đến khâu dịch vụ đầu vào và đầu ra của kinh tế hộ” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn.

Trong liên kết sản xuất, DN đưa ra yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật. Về phía nông dân phải sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm đồng đều, chất lượng cao.

Để các chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao, vai trò của HTX rất quan trọng, là "cầu nối" giữa nông dân với DN. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất này đã nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Phải bảo đảm "ba tương đồng" trong sản xuất

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian qua đã có bước phát triển, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. Các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử lý khi một bên vi phạm hợp đồng.

Khi giá thị trường tăng cao so với giá thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bán (thường là nông dân, HTX) sẵn sàng “quay xe” bán cho đối tác khác thay vì đơn vị đã cam kết; ngược lại, khi giá nông sản xuống thấp, một số DN cũng quay lại ép giá nông dân, HTX để mua với giá thấp hơn.

Đây là khó khăn lớn trong quá trình liên kết, vì để sản xuất hiệu quả, bền vững thì phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhân tố tham gia chuỗi liên kết giá trị (người sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ), nhưng đa số liên kết hiện nay thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro.

Mối liên kết giữa nông dân và HTX chưa thật sự bền vững; nhiều nông dân chưa chú trọng đến liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất manh mún nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm quy mô lớn, ổn định, do đó HTX không thể liên kết với DN khi yêu cầu sản lượng hàng hóa lớn.

Ngược lại, có những HTX liên kết với DN để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn bị hạn chế về đầu ra, DN không bao tiêu hết. Bên cạnh đó, một số mô hình hợp tác, liên kết mới chỉ dừng lại ở khâu ký biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận miệng, chưa thể hiện bằng hợp đồng và chưa có chính sách bảo hiểm giá.

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông). Ảnh: P.Thảo

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10 mô hình HTX điển hình tiên tiến phát triển theo hướng sản xuất đạt chứng nhận quốc tế; 65% HTX nông nghiệp liên kết với DN trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh, hiện nay, đối với một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải có xuất xứ, mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu, do đó các HTX cũng phải có sự thay đổi và chuyển hướng theo yêu cầu đặt ra của thị trường.

Trong chuỗi liên kết, trước hết phải xuất phát từ yêu cầu hết sức cần thiết của kinh tế hộ; đồng thời, HTX phải có vùng nguyên liệu, sản xuất quy mô lớn, tập trung và chủ động được nguồn nguyên liệu thì mới gắn kết được với các DN trong việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Để làm được điều đó, cần có ba yếu tố tương đồng (đồng về giống, đồng quy trình sản xuất và đồng nhất về sản phẩm), có như vậy mới đảm bảo được các khâu trong liên kết từ đầu vào đến đầu ra.

Ông Nguyễn Thiên Văn cho biết thêm, để liên kết sản xuất chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn, HTX cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước và gắn kết với các DN lớn để làm "đầu tàu" đồng hành. Ngày 1/7/2024 sẽ triển khai thực hiện Luật HTX năm 2023 với 8 nhóm chính sách, đòi hỏi Trung ương cần sớm cụ thể hóa. Về phía địa phương sẽ có những giải pháp hỗ trợ để phát triển nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Minh Chi – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.