Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện về cuối tháng: Lợi cả đôi đường

07:16, 25/10/2023

Từ tháng 10/2023, Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện lộ trình thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện (CSCTĐ) về ngày cuối tháng cho các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh. Khi thực hiện chủ trương này sẽ mang lại lợi ích cho cả ngành điện và khách hàng sử dụng điện.

Trong năm nay, khách hàng có lịch ghi chỉ số từ ngày 16 hằng tháng trở về sau sẽ thay đổi ngày ghi CSCTĐ về ngày cuối cùng của tháng. Công ty đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho 100% khách hàng sử dụng điện, đảm bảo hạ tầng để hoàn tất việc ghi chỉ số vào ngày cuối tháng trong năm 2024.

Điện lực Krông Pắc đang quản lý 48.102 khách hàng, trong đó có 41.908 khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, 6.195 khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt. Đơn vị đã chuyển đổi 100% hợp đồng sang hình thức điện tử, hướng dẫn khách hàng thuộc lộ trình chuyển đổi trong năm nay ký phụ lục thỏa thuận về việc ghi CSCTĐ vào ngày cuối tháng. Đồng thời, tuyên truyền, thông báo đến khách hàng qua email, Zalo, app CSKH và SMS. Điện lực cũng tập trung nhân lực tăng cường theo dõi, kịp thời xử lý, giải đáp các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong tháng 10/2023, đơn vị thay đổi ngày ghi CSCTĐ về ngày cuối cùng của tháng đối với 12.845 khách hàng (chiếm 27% tổng số khách hàng), số lượng còn lại được chuyển đổi trong năm 2024.

Nhân viên ngành điện hỗ trợ các thủ tục liên quan cho khách hàng.

Đối với Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột, việc thay đổi ngày ghi CSCTĐ sẽ được thực hiện có lộ trình theo từng nhóm khách hàng, từng khu vực và hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với thực tế. Trong tháng 10 và 11/2023, điện lực sẽ chuyển ngày ghi CSCTĐ về ngày cuối tháng đối hơn 43.900 khách hàng có ngày chốt chỉ số từ ngày 16 đến ngày 24 hằng tháng, chiếm tỷ lệ 53,6% tổng số khách hàng của đơn vị quản lý. Số lượng khách hàng còn lại dự kiến chuyển ngày ghi chỉ số thực hiện trong năm 2024. Để triển khai hiệu quả chủ trương chuyển ngày ghi CSCTĐ, đơn vị thực hiện ký thỏa thuận thay đổi ngày ghi, hình thức nhận thông báo với các khách hàng, đảm bảo tất cả khách hàng biết và nhận được thông tin trong quá trình thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số trước khi triển khai.

Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, việc thay đổi ngày ghi CSCTĐ về ngày cuối tháng được thực hiện trên sự đồng thuận, thống nhất của khách hàng sử dụng điện, thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán điện đã ký giữa khách hàng và bên bán điện. Trong năm 2023, đơn vị triển khai thay đổi ngày ghi CSCTĐ về ngày cuối tháng cho 289.000/597.000 khách hàng. Việc thay đổi lịch ghi CSCTĐ về ngày cuối tháng được triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý đo đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện cho cả bên bán điện và bên mua điện. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện.

Công nhân Điện lực Krông Pắc và cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ điện nông thôn Ea Phê kiểm tra công tơ của khách hàng.

Đối với khách hàng, việc thay đổi ngày ghi chỉ số về ngày cuối tháng thì chu kỳ sử dụng điện được tính tròn trong tháng, giúp khách hàng dễ nhớ, dễ kiểm tra, theo dõi chỉ số tiêu thụ điện theo đúng số ngày trong tháng (từ ngày 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng).

Ông Đào Văn Phi, Kế toán trưởng Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ điện nông thôn Ea Phê (huyện Krông Pắc) cho biết, đơn vị đang phục vụ điện cho 5.000 khách hàng. Lâu nay, HTX ghi chỉ số của khách hàng vào cuối tháng, nhưng ngành điện lại ghi chỉ số vào giữa tháng nên có một số bất cập trong hạch toán kinh doanh, chi phí của đơn vị. Việc chuyển đổi ngày chốt CSCTĐ sang cuối tháng giúp HTX thuận lợi hơn trong việc theo dõi sản lượng điện tổn thất; giảm thời gian, nhân lực, chi phí trong việc cập nhật chỉ số giữa khách hàng với HTX và giữa HTX với ngành điện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.