Multimedia Đọc Báo in

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giữa Đắk Lắk và Bạc Liêu

15:00, 26/10/2023

Sáng 26/10, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận làm Trưởng đoàn về kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn trao đổi thông tin với Đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đã thông tin với Đoàn công tác về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Đắk Lắk.

Đến nay, toàn tỉnh có 74/151 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 49%), trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột); 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Buôn Ma Thuột). Toàn tỉnh đạt 2.374 tiêu chí, (bằng 82,7% tổng số tiêu chí), bình quân đạt 15,72 tiêu chí/xã.

Đắk Lắk cũng đã công nhận được 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn số lượng. Nhiều mô hình nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập.

quang cảng buổi làm việc
Quang cảng buổi làm việc

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù là tỉnh miền núi có diện tích rộng, dân cư ở phân tán, thưa thớt, có 54 xã thuộc khu vực III nên việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn là rất khó đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận đã giới thiệu những đặc điểm kinh tế, văn hóa nổi bật của tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh, Bạc Liêu hiện đang tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, gồm: phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển du lịch; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Tỉnh Bạc Liêu rất ấn tượng về kết quả trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Đắk Lắk và mong muốn cùng tiến tới xây dựng, ký kết biên bản giao thương hàng hóa nông sản giữa hai tỉnh trong thời gian tới.

ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã cùng chia sẻ cách thức xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP, các mô hình trong phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào các chương trình khoa học - công nghệ, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; kinh nghiệm trong công tác thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; mô hình bộ máy quản lý giúp việc các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện… Qua đó, nâng cao công tác phối hợp, hỗ trợ nhau của hai địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Nhân dịp này, Đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu đã đi tham quan thực tế về quy trình chế biến sản phẩm OCOP và mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana).

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.