Multimedia Đọc Báo in

Áp dụng biện pháp tổng hợp để hạn chế ốc bươu vàng gây hại trên lúa

14:35, 10/11/2023

Ốc bươu vàng là một loài dịch hại nghiêm trọng, có tập tính phàm ăn, chúng rất thích ăn các cây lúa non ở thời kỳ mạ đối với lúa gieo thẳng. Trong ngày, một con ốc bươu vàng có thể phá hại vài chục cây mạ.

Ở thời kỳ cây lúa già, ốc bươu vàng chuyển sang ăn các loại cây lá mềm khác trên ruộng lúa như tảo, các loại bèo, cỏ… Ngoài ra, chúng còn ăn cả lá chuối, khoai mì, khoai lang, đu đủ, rau muống, rau xanh, xơ mít.

Ốc bươu vàng luôn hiện diện trên ruộng lúa, bởi chúng dễ thích nghi với điều kiện bất lợi của môi trường. Khi trời nóng thì ốc lặn sâu dưới nước và thường tập trung ở nơi có bóng râm. Khi ruộng lúa đang thời kỳ trổ, nước trên ruộng đầy đủ thì chúng lên bắt cặp để sinh sản.

Các học viên lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) Đắk Lắk được hướng dẫn về cách nhận biết và phòng ngừa ốc bươu vàng
Các học viên lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) Đắk Lắk được hướng dẫn về cách nhận biết và phòng ngừa ốc bươu vàng.

Mức độ sinh sản của ốc bươu vàng rất nhanh; sau khi giao phối 1 - 2 ngày ốc đã bắt đầu đẻ trứng, mỗi ổ trứng có từ vài trăm trứng. Mỗi con ốc bươu vàng cái sinh sản từ 11 - 12 ổ trứng trong một chu kỳ đẻ; tỷ lệ trứng nở đến 80%. Khi lúa sắp thu hoạch, ruộng cạn nước, ốc chui sâu trong bùn, ngủ nghỉ được tới 6 tháng, đến vụ lúa tiếp theo, có nước chúng lại tiếp tục xuất hiện và phát triển.

Do phàm ăn nên ốc bươu vàng lớn rất nhanh, đời sống lên đến 2 - 3 năm. Đây là đặc điểm thích nghi của ốc bươu vàng trong mọi điều kiện mà các đối tượng dịch hại khác không có, gây khó khăn trong việc phòng trừ dứt điểm.

Thông thường, khi phát hiện mật độ ốc bươu vàng cao, gây hại đáng kể thì bà con nông dân mới sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Đây là một sai lầm lớn mà từ trước giờ người sản xuất lúa vẫn chưa khắc phục.

Cần tổng hợp các biện pháp để quản lý thì mới hạn chế tối đa mức độ gây hại trên ruộng lúa nước đối với những diện tích bị nhiễm ốc bươu vàng. Đối với biện pháp sinh học, có thể dùng vịt đàn thả vào ruộng trước khi gieo sạ và sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc. Dùng một số thuốc sinh học, thảo mộc để trừ ốc trên ruộng lúa. Đối với biện pháp kỹ thuật, trước khi gieo sạ, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, làm rãnh quanh ruộng để nước dồn ốc bươu vàng vào chỗ có nước, cắm cọc ven bờ, chỗ nước chảy và chỗ rãnh sâu để ốc bò lên đẻ trứng, thuận lợi cho thu lượm và diệt trứng. Dùng những vật liệu mà ốc ưa thích để dẫn dụ như dây, lá khoai lang, lá khoai môn, lá đu đủ và vỏ xơ mít... bỏ vào những rãnh nước để dẫn dụ thêm ốc từ những nơi khác bò tới. Sau khi ốc bám kín miếng vật liệu thì người bắt chỉ việc mang rổ hoặc vợt ra bắt dễ dàng.

Phải thường xuyên bắt ốc và thu lượm ổ trứng từ lúc lúa sạ, cấy cho đến khi thu hoạch. Cũng có thể cho ngập nước để ốc bươu vàng hoạt động rồi cày bừa bằng cơ giới tác động mạnh tiêu diệt ốc. Có thể rút hết nước ruộng, để ốc tập trung ở kênh mương, dùng trấu bỏ xuống kênh mương, trấu sẽ dính vào cơ thể của ốc bươu vàng khi bò, trấu làm cho ốc không đóng nắp lại được sẽ bị chết. Dùng vôi bỏ vào những vũng nước đọng trong ruộng hoặc mương (khi rút hết nước từ ruộng ra mương), ốc bươu vàng tập trung nơi có nước sẽ bị chết do độ pH tăng thêm trên 5.0. Hoặc dùng vôi rải đều trên ruộng sau khi làm đất cũng diệt được ốc bươu vàng. Đối với ruộng lúa một vụ, có thể luân canh lúa với cây trồng cạn (ngô, lạc, đậu tương…) sẽ giảm mật độ ốc bươu vàng.

Chỉ dùng thuốc hóa học để diệt ốc bươu vàng khi thật cần thiết, và phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng nồng độ).

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.