Multimedia Đọc Báo in

Nhiều rủi ro, người chăn nuôi lợn e dè tái đàn

11:58, 03/11/2023

Hiện đang là thời điểm các hộ chăn nuôi lợn "rục rịch" tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm, cùng với tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp đã khiến không ít người chăn nuôi có tâm lý e ngại.

Ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình ông luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng vì giá lợn hơi tăng, giảm thất thường. Đầu tháng 8/2023, giá lợn hơi dao động từ 57.000 - 60.000 đồng/kg. Thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi bất ngờ giảm mạnh xuống còn 49.000 - 50.000 đồng/kg, khiến gia đình ông không còn mặn mà với việc tái đàn. Trước đây, gia đình ông luôn duy trì số lợn trong chuồng khoảng 80 - 100 con, nhưng hiện nay gia đình chỉ dám nuôi 50 con cả lợn thịt và lợn nái. Ông Đề chia sẻ: “Tuy không tốn nhiều chi phí cho việc mua con giống, nhưng chi phí cám và vắc xin vẫn đang ở mức cao, trong khi giá lợn hơi xuất ra thị trường bấp bênh nên gia đình tôi không dám mạo hiểm đầu tư nhiều”.

Nhiều hộ dân không muốn tái đàn, bỏ trống chuồng trại vì chăn nuôi thua lỗ.

Trong khi đó, trang trại của bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn 5, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện đang nuôi 260 con lợn thịt và 40 con lợn nái. Mặc dù gia đình bà luôn chủ động được nguồn con giống, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn. Theo bà Tuyết, giá cám và các loại thức ăn chăn nuôi đã giảm, nhưng mức giá vẫn khá cao, tầm 300.000 - 550.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại cám), trong khi hiện nay giá lợn hơi lại xuống dốc, người chăn nuôi sẽ phải chịu lỗ từ 400.000 - 600.000 đồng/con, nên rất khó lấy lại vốn.

Trong khi đó, bà Võ Thị Mỹ Dung (một chủ hộ chăn nuôi heo ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) dù đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để tái đàn, nhưng những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm (có những ngày giảm 1.000 đồng/kg), khiến bà rất lo ngại. “Sau gần một năm giá liên tục ở mức thấp, đến tháng 8 vừa qua, giá lợn hơi mới nhích lên được 59.000 đồng/kg, song hiện lại đang có chiều hướng giảm. Vì vậy, hiện tại gia đình tôi chỉ nuôi 45 con, vừa nuôi vừa thăm dò thị trường chứ chưa dám mạo hiểm tăng đàn. Tại địa phương, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải bỏ trống chuồng trại, không chăn nuôi nữa”, bà Dung cho hay.

Bên cạnh lo ngại về chi phí tăng, giá bán giảm, người chăn nuôi còn phải đối mặt với những rủi ro do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Cùng với đó, vào thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh cũng là rủi ro hiện hữu đối với người chăn nuôi. Anh Hoàng Dương (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chia sẻ, gia đình anh đang chuẩn bị vệ sinh chuồng trại để tái đàn, phục vụ thị trường cuối năm. Như mọi năm, vào thời điểm này, gia đình anh sẽ nuôi từ 100 - 150 con/lứa, nhưng năm nay do sợ thua lỗ, không lấy lại được vốn nên gia đình chỉ dám nuôi 70 - 80 con lợn thịt với hy vọng cuối năm giá sẽ tăng, bởi với giá như hiện nay thì không có lãi, thậm chí còn lỗ.

Ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) không dám tăng đàn vì giá cám cao, giá lợn hơi giảm.

Theo bà Lê Thanh Hà, cán bộ thú y xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), hiện nay thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, người chăn nuôi cần đầu tư chuồng trại, chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi; tập trung tăng cường biện pháp khử khuẩn, phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ lịch tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm tránh rủi ro, không bị thiệt hại kép do giá thấp và dịch bệnh bùng phát. Các trang trại, hộ chăn nuôi lợn cũng cần theo dõi sát thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ lợn giống để bổ sung, tái đàn.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.