Multimedia Đọc Báo in

Những người trẻ làm giàu từ đồng đất quê hương

07:06, 13/11/2023

Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu hiền hòa, thổ nhưỡng phì nhiêu, huyện Krông Ana là vùng “đất hứa” để phát triển nông nghiệp. Những tiềm năng, lợi thế này đã được nhiều bạn trẻ địa phương phát huy hiệu quả, truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhiều thanh niên về cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Biến vỏ chanh dây thành … “mỏ vàng”

Với khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, năm 2015 anh Lương Công Nhật (thôn Tân Tiến, xã Ea Na) từ chối nhiều cơ hội việc làm ở TP. Hồ Chí Minh khi cầm trên tay tấm bằng kỹ sư xây dựng. Trở về quê nhà, anh Nhật quyết tâm theo đuổi chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn – một phương pháp canh tác mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi bò và trồng sầu riêng, anh tự học hỏi những kiến thức cần thiết về khoa học kỹ thuật để sản xuất đạt hiệu quả.

Với 25 con bò thịt và bò sinh sản, cùng với trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, anh Nhật khai thác nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng hóa nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Anh Lương Công Nhật (xã Ea Na) tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi hiệu quả.

Những năm gần đây, ở xã Ea Na, cây chanh dây đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích liên tục được mở rộng, cùng với đó là các doanh nghiệp cũng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, mở cơ sở chế biến loại quả này và thải ra một lượng lớn vỏ chanh dây...

Nhận thấy vỏ chanh dây là nguồn phụ phẩm có thể trở thành thức ăn chăn nuôi, anh Nhật đã tìm tòi, phân tích thành phần hóa học, hàm lượng dinh dưỡng và thử nghiệm chế biến thành thức ăn cho gia súc, thay thế lượng rơm, cỏ mỗi ngày. Theo anh Nhật, vỏ chanh dây rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng có tính axít cao, cho nên khi cho bò ăn điều quan trọng phải tìm cách cân bằng pH bằng việc phối trộn muối NaHCO3 với liều lượng phù hợp.

Anh Nhật đã chế biến thành công thức ăn cho bò từ vỏ chanh dây và mạnh dạn sử dụng loại thức ăn này cho đàn bò của mình từ hơn một năm nay. Kết quả, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, giảm đáng kể chi phí về thức ăn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, đàn bò của anh Nhật tiêu thụ để tránh “xả thải” ra môi trường hơn 1 tấn vỏ chanh dây. Đối với chất thải chăn nuôi, anh xử lý bằng vi sinh vật để bón cho vườn sầu riêng. Vỏ quả chanh dây thực sự là “mỏ vàng” của anh Nhật…

Từ việc khai thác, sử dụng thành công vỏ chanh dây làm thức ăn cho bò, anh Nhật đang ấp ủ dự định tiếp đến là tận dụng vỏ sầu riêng, chế biến để đa dạng hóa nguồn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Cũng như chanh dây, sầu riêng có diện tích đáng kể tại huyện Krông Ana.

Làm giàu từ sản phẩm “khác biệt”

Sinh ra ở buôn Cuê (xã Băng Adrênh), anh Y Kốp Buôn Dap cũng ấp ủ ước mơ làm giàu từ nông nghiệp. Anh khởi nghiệp với việc kinh doanh sản phẩm cà phê rang củi và mật ong. Quá trình canh tác 7 sào cà phê, nhìn thấy những cây đu đủ đực trĩu hoa mọc dại xen trong rẫy, anh nảy ra ý tưởng ngâm mật ong với hoa đu đủ đực – một phương thuốc dân gian – trở thành một sản phẩm dược liệu để bán.

Anh Y Kốp mạnh dạn thực hiện ý tưởng và tìm ra công thức riêng cho sản phẩm của mình. Sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong của anh khi chào thị trường đã nhận được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng. Để nhiều người biết đến sản phẩm, anh Y Kốp tận dụng các nền tảng mạng xã hội để bán hàng online.

Sản phẩm dược liệu từ mật ong ngâm hoa đu đủ đực của chàng thanh niên dân tộc Êđê Y Kốp Buôn Dap.

Khi có thêm nhiều đơn hàng, anh Y Kốp nghiên cứu, trồng thử nghiệm cây đu đủ đực lấy hoa làm dược liệu để chủ động nguồn nguyên liệu. Anh Y Kốp cho hay, cây đu đủ đực dễ trồng, không tốn nhiều chi phí chăm sóc, chỉ cần bón phân hữu cơ, tưới nước hợp lý là cây sinh trưởng tốt. Mấu chốt quan trọng nằm ở khâu chọn giống. Nếu là cây đu đủ cái thì hạt thường sẫm và đen màu, còn đu đủ đực thì hạt giống sẽ có màu trong hơn. Cây trồng khoảng 6 tháng thì cho thu hoạch hoa. Hoa đu đủ đực ngâm mật ong có công dụng chữa ho và một số bệnh thông thường... Hiện tại, mỗi hũ hoa đu đủ đực ngâm với mật ong có dung tích 370 ml được Y Kốp bán với giá 90.000 đồng. Anh Y Kốp dự kiến đăng ký thương hiệu, xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cho sản phẩm dược liệu mật ong ngâm hoa đu đủ đực để mở rộng thị trường tiêu thụ và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Sinh ra từ làng quê, rồi từ tình yêu lớn với đồng đất quê hương, những người trẻ dám dấn thân ở huyện Krông Ana đã và đang nỗ lực đưa sản phẩm từ buôn làng vươn xa. Chính sự hiểu biết về tài nguyên, văn hóa bản địa, họ vận dụng, khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế nội tại, tạo ra cơ hội làm giàu cho bản thân, giúp ích cho cộng đồng…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.