Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2050, quy mô kinh tế Đắk Lắk nằm trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước

11:15, 14/11/2023

Ngày 14/11, tại Kỳ họp Chuyên đề lần thứ Mười một, HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về việc thông qua hồ sơ trình phê duyệt và một số nội dung chủ yếu của quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Thành phố Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà trình bày tờ trình về việc thông qua các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà trình bày tờ trình về việc thông qua các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo". Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh - an toàn. Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Vị thế phát triển của tỉnh trong cả nước được nâng lên rõ rệt, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước. Người dân Đắk Lắk "Văn minh - Thân thiện - Hội nhập".

Tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh như: Thành phố cà phê thế giới; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; Trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Trung tâm Đô thị vùng Tây Nguyên.

Đại biểu tham dự kỳ họp.
Đại biểu tham dự kỳ họp.

Nghị quyết cũng nêu rõ các nhóm đột phá phát triển, gồm: Đột phá về chính sách; liên kết phát triển; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch tỉnh là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng và là hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chính thống để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và triển khai các kế hoạch KT-XH, đầu tư công trung hạn trên địa bàn, bảo đảm tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển KT-XH bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố theo quy định nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung quy hoạch đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân biết, đồng thuận và thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững. Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.