Multimedia Đọc Báo in

Tìm cơ hội trong thách thức

08:26, 23/11/2023

Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, và thị trường Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường quan trọng nhất của cà phê Việt Nam. Quy định mới từ EU về chống phá rừng (EUDR) có thể ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường quan trọng này nếu không nhanh chóng có biện pháp đáp ứng các quy định.

Biến thách thức thành cơ hội

Năm 2022, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 90% tổng sản lượng thu hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê vào EU đạt hơn 700.000 tấn, với kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD. Cùng với tiềm năng mở rộng quy mô thị trường, quy định mới của EU đòi hỏi ngành cà phê phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo khả năng truy xuất và minh bạch.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), để tiếp tục giữ vững thị phần và khả năng cạnh tranh tại thị trường EU, các tác nhân trong chuỗi sản xuất cà phê cũng như Chính phủ Việt Nam sẽ cần đảm bảo sản xuất cà phê tuân thủ tiêu chuẩn bền vững do EUDR đặt ra. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp và triển khai đồng bộ các phương pháp sản xuất bền vững như: nông lâm kết hợp, xen canh; truy xuất nguồn gốc; giám sát diễn biến rừng và hạn chế rủi ro mất rừng/phá rừng, đẩy mạnh công tác trồng rừng/phục hồi rừng. Đồng thời, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam sẽ phải thiết lập hệ thống dữ liệu ở nhiều cấp để truy xuất nguồn gốc hạt cà phê của mình, đảm bảo chúng từ các nguồn cà phê bền vững và không gây suy thoái rừng. Điều này có khả năng dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), EUDR mang đến những thách thức đáng kể cho ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường EU. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các phương pháp trồng trọt bền vững, tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa khối công và tư, ngành cà phê Việt Nam có thể thích ứng với những thách thức này và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường cà phê toàn cầu. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh. Chúng ta cần thực hiện tốt các quy định của EU, vì đây cũng là trách nhiệm của nền sản xuất Việt Nam đối với môi trường, đối với ngành cà phê thế giới.

Cùng nhau hành động

Theo Bộ NN-PTNT, hiện tỷ lệ phá rừng để sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Với diện tích cà phê hơn 700.000 ha, cho sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, nông dân không mở rộng diện tích, chỉ tái canh trên diện tích sẵn có nên luật cấm của EU không đáng ngại với cà phê Việt Nam cũng như với tỉnh Đắk Lắk.

Để nhanh chóng thích ứng với những quy định khắt khe của EUDR, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Khung kế hoạch hành động gồm các nội dung: Xây dựng khung hợp tác công tư cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; Tuyên truyền, vận động đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng; Xây dựng các giải pháp kỹ thuật về cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, giám sát và bảo vệ rừng; Xây dựng kênh đối thoại thường xuyên với EU và quốc gia thành viên về EUDR; Huy động nguồn lực hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với EUDR. Đây là cơ sở để các địa phương trồng cà phê triển khai những hoạt động thích ứng với EUDR. Hiện Bộ NN-PTNT đang tích cực làm việc với các cơ quan kỹ thuật của EU, các tổ chức tư vấn, cũng như tất cả các đơn vị kỹ thuật trong bộ, nhanh chóng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hội nông dân để có thể xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp giảm chi phí khi khai báo thông tin.

Chế biến cà phê chất lượng cao trên địa bàn huyện Krông Năng trong niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: Thế Hùng

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng cảnh quan châu Á (Tổ chức IDH) khẳng định: Với những kinh nghiệm triển khai Chương trình cảnh quan bền vững tại Tây Nguyên trong gần 10 năm qua cùng các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty như JDE Peet’s, Simexco, Intimex, ECOM và LDC, IDH sẽ đồng hành cùng các đối tác Trung ương và địa phương để triển khai đồng bộ những hoạt động đáp ứng với EUDR tại Việt Nam. Bên cạnh đó, IDH tiếp tục kêu gọi các công ty, tổ chức quan tâm trong và ngoài nước tham gia và đóng góp cho chương trình hành động, qua đó tạo những tác động quan trọng trên cả ba phương diện: sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.