Multimedia Đọc Báo in

Triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của EU

14:06, 03/11/2023

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch “Triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EU) trên địa bàn Đắk Lắk” đối với ngành hàng cà phê (gọi tắt là Kế hoạch).

Theo đó, triển khai thí điểm tại 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Cư M'gar và Ea H'leo (do tổ chức IDH hỗ trợ triển khai thực hiện); các huyện Krông Ana, Cư Kuin, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột (do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk hỗ trợ triển khai thực hiện), thời gian từ tháng 10/2023 đến 12/2024.

Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với EU. Đây cũng là tiền để cho việc mở rộng đến các huyện trồng cà phê khác trong toàn tỉnh.

Vùng trồng cà phê trên địa bàn xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Vùng trồng cà phê xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng làm mô hình thí điểm triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EU).

UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thí điểm chia sẻ thông tin, dữ liệu bản đồ lâm nghiệp theo quy định; chuyển đổi dữ liệu và cập nhật thêm thông tin trên bản đồ lâm nghiệp; có văn bản thông báo đến các công ty, hiệp hội gỗ, cao su, cà phê có tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 7 huyện thí điểm tham gia, chia sẻ, đóng góp nguồn lực để triển khai các giải pháp.

Đồng thời, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ vùng thí điểm, cũng như việc  triển khai mở rộng ra các huyện còn lại trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2024.

Giao Sở Tài Nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở NN-PTNT hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chia sẻ thông tin, dữ liệu bản đồ địa chính cho các sở, ngành, doanh nghiệp có liên quan trong khuôn khổ thực hiện nội dung Kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan giám sát hoạt động chuyển đổi dữ liệu để chuyển đổi dữ liệu bản đồ địa chính sang định dạng phù hợp (KMZ) tại 7 huyện thí điểm và cập nhật thông tin các khu vực sản xuất trên đất lâm nghiệp tại vùng thí điểm…

Vùng trồng cà phê trên địa bàn huyện Krông Năng
Vùng trồng cà phê trên địa bàn huyện Krông Năng

Đối với UBND 7 huyện, thị xã thành phố, thực hiện thí điểm, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động thích ứng với yêu cầu của EU theo hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan tại địa phương tổng hợp dữ liệu thông tin thực trạng diễn biến đất lâm nghiệp, dữ liệu địa chính tại địa phương, xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp theo cấp độ rủi ro từ cao - trung bình - thấp; rà soát thực trạng diễn biến, cơ sở dữ liệu rừng vào mốc 31/12/2020, phân loại theo 3 loại rừng, dựa trên cơ sở tham vấn ý kiến của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; chuyển đổi dữ liệu bản đồ lâm nghiệp sang định dạng KMZ; chuyển đổi dữ liệu địa chính sang định dạng KMZ, từ đó xây dựng dữ liệu định vị GPS/polygon của mảnh vườn trồng và chia sẻ dữ liệu KMZ, dữ liệu định vị GPS/polygon; triển khai các biện pháp giám sát bảo vệ rừng tăng cường tại các khu vực rủi ro cao…

Đối với UBND các huyện còn lại, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, kinh phí để thực hiện việc để xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU được thực hiện trong năm 2024 dựa trên các nội dung, nhiệm vụ đã được phân công cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp của vùng thí điểm.

Đề nghị các đơn vị, tổ chức đang tham gia Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội của tỉnh (PPL Compact) của tỉnh hỗ trợ nguồn lực nhân sự và kinh phí thực hiện.

Đồng thời, huy động các đại lý trong chuỗi cung ứng thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin và sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp vùng; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các công ty (truy xuất nội bộ) gắn kết hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp vùng…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.