Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện các công trình trọng điểm tại huyện Ea Kar:

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

07:06, 13/11/2023

Thực hiện cam kết bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị huyện Ea Kar đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng thuận vì mục tiêu chung.

Nhận diện rõ khó khăn

Huyện Ea Kar hiện có hai công trình, dự án trọng điểm của tỉnh gồm: Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Trong đó, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đi qua địa bàn huyện Ea Kar có chiều dài 13,5 km gồm cả dự án thành phần 2 (chiều dài 2,3 km) và dự án thành phần 3 (chiều dài hơn 11,2 km) thuộc địa bàn xã Cư Bông và xã Cư Elang, tổng tích giải phóng mặt bằng trên 104 ha.

Công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng cần giải phóng mặt bằng để xây dựng hồ Ea Rớt, hồ Krông Pách thượng, khu tái định cư, tái định canh số 1 và số 2 thuộc xã Cư Elang và Cư Bông…

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các hạng mục công trình thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng trên địa bàn huyện Ea Kar.

Với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, việc xác định nguồn gốc đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nhiều diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án thuộc đất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý đã bị người dân lấn, chiếm sử dụng. Đến nay, khi thu hồi đất để thực hiện dự án thì toàn bộ diện tích đất thu hồi không được bồi thường và không được hỗ trợ về đất, chỉ được hỗ trợ về cây trồng từ 30 - 60% theo đơn giá bồi thường. Do vậy, người dân không đồng thuận, không chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

 

Công tác giải phóng mặt bằng của huyện đã đạt được hiệu quả, đáp ứng đúng kế hoạch, yêu cầu do UBND tỉnh đề ra. Đến nay, đối với Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, huyện đã bố trí tái định cư cho gần 500 hộ về hai khu tái định cư; tổ chức phân lô, bàn giao đất màu, đất sản xuất cho các hộ, đón nhận 975 học sinh vào các lớp học. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn đi qua địa bàn huyện Ea Kar đã hoàn thành nhận 821 mốc; bàn giao 83% mặt bằng của dự án thành phần 3 và bàn giao 100% mặt bằng dự án thành phần 2”. 

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà

Hơn nữa, trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án có khoảng 9,5 ha đất rừng trồng cây cao su, keo lai, bời lời thuộc diện được bồi thường, theo quy định, địa phương sẽ được tận thu rừng trồng sau khi thực hiện xong phương án đền bù nhưng trên thực tế công tác quản lý, thu hồi và bán đấu giá đối với cây rừng trồng rất khó khăn, dễ phát sinh vấn đề thất thoát tài sản và vấp phải sự không đồng thuận của người dân.

Tập trung “gỡ vướng”

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, để tháo gỡ khó khăn trong công tác rà soát, xác nhận nguồn gốc đất, xây dựng các phương án bồi thường, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, huyện đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ giúp việc, tổ công tác, phân công các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. UBND huyện đã điều động cán bộ, công chức, viên chức từ các phòng, ban chuyên môn và các địa phương đến các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phối hợp xác nhận nguồn gốc đất nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và thẩm định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị triển khai làm việc theo nhóm để cùng kiểm tra hồ sơ, đánh giá thực địa và đưa ra kết quả của đơn vị mình. Mỗi đầu việc được yêu cầu hoàn thành trong ngày, chậm nhất là sang ngày thứ hai sau khi nhận đủ hồ sơ.

Đối với việc tận thu 9,5 ha rừng trồng cây cao su, keo lai, bời lời, căn cứ Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND, ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ea Kar đang thuê đơn vị tư vấn phương án xử lý, dự kiến hoàn thành thu hồi trong tháng 11 và bàn giao mặt bằng.

Xác định công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt trong thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức không tạo lập tài sản, cây trồng trong phần diện tích được quy hoạch và tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện dự án. Đối với những trường hợp chưa đồng thuận, các địa phương đã có cách làm phù hợp, sát với tình hình thực tế.

Khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) đã hoàn thành hạ tầng cơ sở.

Đơn cử như xã Cư Bông đã thành lập Tổ tuyên truyền với nòng cốt là đội công tác phát động quần chúng để tiếp cận, tuyên truyền, vận động những hộ không đồng thuận, chậm bàn giao mặt bằng. Đồng chí Phan Thanh Hướng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền cho biết: Tổ đã sàng lọc, phân loại các hộ theo nhóm đối tượng gồm: hộ ảnh hưởng nhiều, hộ ảnh hưởng ít, hộ có và không có tiền hỗ trợ để xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường hợp tổ phải làm việc từ 1 - 5 lần theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đối với các trường hợp sau khi cấp xã đã thực hiện tuyên truyền nhưng hộ dân vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng thì báo cáo lại để đoàn công tác của UBND huyện cùng các phòng, ban tổ chức đối thoại trực tiếp thêm một lần nữa. Nếu họ vẫn không chấp hành mới thực hiện quy trình cưỡng chế để thu hồi đất theo quy định. Nhờ cách làm này, tổ đã vận động được 21/23 hộ chấp thuận nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng, 2 hộ còn lại tổ vẫn đang tiếp tục tuyên truyền.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.