Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế số Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp

19:25, 28/12/2023

Chiều 28/12, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã tổ chức phiên họp lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến tổng kết hoạt động CĐS năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan; các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh.

a
Đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo, năm 2023 chương trình CĐS quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó có 18 mục tiêu đã hoàn thành, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Liên minh Bưu chính thế giới xếp hạng chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước đó vào năm 2021, đứng thứ 46, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

a

Các điểm cầu tham dự phiên họp. (Ảnh chụp màn hình).

Chỉ số CĐS quốc gia của Việt Nam từ năm 2020 đến 2022 tăng từ 0,48 lên 0,71, dự báo đạt 0,75 vào năm 2023. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ TT&TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Trong năm, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022; Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân...

Năm 2024, Bộ TT&TT đề xuất với Ủy ban quốc gia chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Với chủ đề nêu trên, Bộ, tỉnh và doanh nghiệp nhà nước tập trung vào nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực; các ngành, lĩnh vực, địa phương cùng tham gia sáng tạo và triển khai ứng dụng số để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương.

Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 gồm 8 nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số, 5 nhiệm vụ phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số và 6 bài toán lớn về sáng tạo ứng dụng số đặt hàng các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung giải quyết.

A
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Nguồn: vov.vn)

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực, sự quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình CĐS.

Thủ tướng lưu ý thời gian tới, cần xây dựng hoàn thiện hành lang, pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi, ưu tiên trong lĩnh vực CĐS; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát huy vai trò của người lãnh đạo đứng đầu để thúc đẩy phát triển CĐS ở đơn vị, địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp là người được thụ hưởng, đóng vai trò trọng tâm của quá trình CĐS; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiểm tra, giám sát và tập trung truyền thông để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, phải luôn có tư duy đổi mới, quyết tâm cao, hành động quyết liệt; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số, hạ tầng số, dữ liệu số đồng bộ, hiện đại; phát triển số lượng nhưng phải đề cao chất lượng việc CĐS; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung... Đặc biệt, Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với chủ đề năm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.