Nâng cao chất lượng nông sản: Giải pháp từ đào tạo công nhân nông nghiệp
Trong xu hướng vận động, gia tăng năng lực các doanh nghiệp chế biến nông nghiệp, lâm đặc sản, dược liệu… hiện nay, một yêu cầu lớn đã được đặt ra: làm sao bồi dưỡng ý thức, kỷ luật và năng lực làm việc trong môi trường công nghiệp hóa cho đội ngũ công nhân trẻ? Vấn đề này mới đây đã được tổ chức lao động Quỹ Saemaul (SF – Hàn Quốc) thí điểm triển khai tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hy vọng sẽ sớm lan tỏa đến nhiều địa phương hơn.
Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện văn phòng SF tại Việt Nam chia sẻ, Quỹ Saemaul nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những lao động nông thôn với đội ngũ công nhân tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp chế biến nông sản. Nâng cao ý thức lao động công nghiệp cho lực lượng nhân lực trẻ nông thôn sẽ tạo nền tảng tốt cho những công nhân nhà máy, phân xưởng, giúp tăng hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp đầu tư.
Huấn luyện để có... hai trong một
Ông Busung cho biết, từ năm 2022, sau đại dịch COVID-19, bên cạnh những kế hoạch tập huấn chia sẻ kiến thức nông nghiệp cho nông dân, Quỹ Saemaul đã chủ động mở rộng các hoạt động tập huấn năng lực lao động cho các công nhân thuộc các nhà máy xí nghiệp.
Những báo cáo viên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được mời tham gia tập huấn nhìn nhận, các bài học được đưa ra đều rất thiết thực và thân thiện vì nhằm trang bị kiến thức kết nối hoạt động sản xuất từ nông nghiệp với môi trường sản xuất công nghiệp. Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng khi đi vào đào tạo mới thấy rõ tính chất quan trọng.
Chẳng hạn, một lao động trẻ nông thôn có thể biết rõ mùa vụ trồng trọt, thu hoạch các loại nông sản, nhưng làm sao hiểu được quy trình bảo quản, chế biến nông sản đó trong nhà máy chế biến để đảm bảo giữ được chất lượng nông sản. Chính thái độ lao động công nghiệp, tuân thủ giờ giấc, quy trình làm việc sẽ giúp người công nhân tuân thủ tốt các yêu cầu sản xuất chế biến nông sản chất lượng cao, và quay lại tác động nhận thức của họ về quy trình canh tác, chăm sóc cây trồng, tổ chức thu hoạch, sơ chế… như thế nào để nông sản được bảo quản tốt nhất.
Rõ ràng, giữa thói quen canh tác của người nông dân và ý thức công nghiệp hóa ở người công nhân luôn có khoảng cách. Nếu gắn kết, hợp nhất được trình độ ý thức này vào chính một người, chất lượng nông sản sau thu hoạch và bán ra sẽ tăng lên rất nhiều lần…
Công nhân sơ chế, đóng gói sầu riêng tại nhà máy của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận |
Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản
Ông Busung hy vọng vấn đề đào tạo công nhân biết liên kết trách nhiệm chất lượng với nông dân sẽ là cơ hội thay đổi cho các vùng nông sản chuyên canh. Điều này sẽ giúp quan hệ liên kết đầu tư, xây dựng những vùng canh tác nông sản chất lượng, giữa các doanh nghiệp chế biến với đông đảo người nông dân được cải thiện hơn. Vùng Tây Nguyên với những mảng diện tích nông sản đặc thù, sẽ là những điểm nhấn quan trọng để ý tưởng này thành công.
Cụ thể với các địa phương chú trọng lợi thế sản xuất nông nghiệp như Đắk Lắk, lâu nay việc tuyển dụng lao động trong các nhà máy chế biến nông sản vẫn trở ngại vì đa số lao động không quen với ý thức làm việc tuân thủ giờ giấc công nghiệp hóa. Năng suất lao động của nhiều nhà máy, xí nghiệp luôn giảm sút vì lao động thay đổi, chuyển việc nhiều. Nhất là, làm sao để công tác chăm sóc, trồng trọt nông sản đồng bộ với các quy trình thu hoạch, ý thức bảo quản chế biến ở các nhà máy là đòi hỏi rất khó khăn với các doanh nghiệp đầu tư.
Theo đó, nếu có thể đưa mô hình đào tạo, huấn luyện ý thức, tác phong công nghiệp hóa ở người công nhân hiện đại, chuyên nghiệp đến với môi trường lao động tại các nhà máy chế biến nông sản Tây Nguyên; rồi lan tỏa kiến thức lao động đến những người nông dân tham gia chuỗi giá trị liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu…, chắc chắn chất lượng hàng hóa nông sản vùng sẽ thay đổi rất nhiều. Chỉ cần người nông dân ý thức hơn về thời vụ thu hoạch, để hợp tác những công nhân thu mua nông sản trong việc bảo quản, vận chuyển đã hạn chế được những lãng phí hư hại, và tăng thêm chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản sẽ thêm tự tin để vận hành những nhà máy và kế hoạch làm ăn của mình, qua đó góp sức phát triển kinh tế các địa phương như Đắk Lắk một cách bền vững.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc