Multimedia Đọc Báo in

Những “cánh tay nối dài” của tín dụng chính sách

07:12, 14/12/2023

Hơn 20 năm qua, những cán bộ tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), góp phần giúp nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả.

Gần gũi, sâu sát

Đồng hành cùng NHCSXH từ những ngày đầu mới thành lập, hơn 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được biết đến là tổ trưởng tổ TKVV gần gũi, gắn bó với các hộ vay.

Trước kia, bà Thắm là giáo viên, sau khi về hưu, được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và kiêm luôn vai trò tổ trưởng tổ TKVV tại tổ dân phố. Những ngày đầu làm quen với công việc, bà gặp không ít trở ngại. Thuở ấy, tổ dân phố chỉ vẻn vẹn 60 hộ, ai cũng nghèo khó, thiếu thốn. Mặc dù có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhưng người dân chưa mặn mà bởi ai cũng sợ không có khả năng hoàn trả.

Bà đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, thậm chí là xắn tay cùng làm việc nương rẫy với bà con để tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu lợi ích từ việc có nguồn vốn làm ăn và thay đổi tư duy sản xuất. Nhờ vậy, 5 hộ đầu tiên được “đả thông” tư tưởng đã mạnh dạn vay 500 nghìn – 1 triệu đồng để chăn nuôi heo, bò… Dần dà, nhiều hộ dân khác thấy hiệu quả nên đã chủ động tìm đến bà đề nghị hỗ trợ vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (bên phải), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn tổ dân phố Đoàn Kết (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) thu lãi tiết kiệm hằng tháng của bà con.

Khi các tổ viên được vay vốn, bà thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên các hộ dân tham gia những lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và định hướng chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Nhờ vậy, nhiều tổ viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có việc làm thường xuyên và ổn định.

Hiện tại, tổ TKVV do bà quản lý có 59 tổ viên, với tổng dư nợ hơn 4,1 tỷ đồng. Hết lòng vì người nghèo, bà Thắm không ngại khó khăn, luôn tận tụy với công việc quản lý nguồn vốn. Bà bộc bạch: “Hễ đến ngày trả lãi mà hộ nào chưa có hoặc đi làm xa không về kịp, tôi sẵn lòng nộp trước rồi họ về trả sau chứ không đốc thúc nặng lời để giữ tâm lý thoải mái khi vay vốn cho các tổ viên. Nhờ vậy, nhiều năm qua, tổ TKVV của tôi quản lý không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Hầu hết các tổ viên vay vốn đều có ý thức trả lãi, trả nợ đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu”.

“Lá cờ đầu” dẫn dắt hộ vay

Hơn 7 năm qua, tổ TKVV do chị Lò Thị Bương (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) làm tổ trưởng luôn phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách hiệu quả. Những ngày đầu “bắt nhịp” với công việc, chị Bương gặp không ít khó khăn trong tuyên truyền các hộ vay vốn. Mặc dù NHCSXH triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi nhưng không phải hộ nào cũng biết, có hộ biết thì lại ngại làm các thủ tục, hồ sơ vay vốn.

Năm 2019, với suy nghĩ “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, chị Bương đã quyết định vay vốn tín dụng phát triển kinh tế, làm gương cho các hộ vay. Theo đó, chị vay 20 triệu đồng theo Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để trồng 1 ha tiêu. Sau gần hai năm, vườn tiêu đã cho thu bói. Hiện nay, mỗi năm vườn tiêu này cho thu được 1 tấn/năm, bán với giá 68.000 - 70.000 đồng/kg. Nguồn thu từ bán tiêu, chị đầu tư trồng 150 cây sầu riêng, 130 cây vải, 6 sào nha đam, 5 sào rau sạch và nuôi thêm 27 con dê. Hiện tại, từ mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng.

Chị Lò Thị Bương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đi đầu trong vay vốn phát triển mô hình kinh tế để tổ viên noi theo.

Nhờ làm kinh tế giỏi, chị đã hỗ trợ phụ nữ trong thôn về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, nuôi dê, trồng nha đam… Từ đó, nhiều chị em học tập chị tham gia tổ TKVV để vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay, chị đã hỗ trợ cho các tổ viên vay vốn thực hiện 14 mô hình trồng nha đam, nuôi dê và heo rừng, với tổng số tiến hơn 620 triệu đồng. Nhiều gia đình còn bỏ thêm chi phí nuôi 70 - 80 con dê. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong thôn ngày càng phát triển, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí là khá giả.

Ngoài ra, với vai trò là cán bộ y tế thôn, chị thường xuyên kết hợp trong những buổi điều tra dân số, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về nguồn vốn vay. Từ đó đề xuất lên cấp trên để các hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời nhất. Chị Bương tâm sự: “Gia đình vẫn thường bảo tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vì không nề hà, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là làm thay hồ sơ, thủ tục vay vốn cho bà con. Nhưng với tôi, giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, kịp thời, từ đó thu hút thêm nhiều hộ tham gia tổ TKVV để thụ hưởng chính sách ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế chính là niềm vui, tự hào”.

Hiện tổ TKVV thôn Quỳnh Ngọc do chị Bương làm tổ trưởng được đánh giá là một trong những tổ hoạt động tốt nhất tại xã Ea Na. Từ 17 tổ viên ban đầu, với khoản vốn vay chỉ 253 triệu đồng, đến nay đã phát triển lên gần 40 hộ, với tổng số vốn 1,9 tỷ đồng.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.