Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng tín dụng – những con số đáng lo ngại

08:27, 01/12/2023

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, cũng như đưa ra mức lãi suất cho vay với nhiều ưu đãi. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng vẫn không được như kỳ vọng và khả năng "chạm" đến mục tiêu của ngành ngân hàng là rất khó.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 10/2023 đạt 81.000 tỷ đồng, tăng 19,83% (tăng 13.402 tỷ đồng) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến ngày 31/10 đạt 142.500 tỷ đồng, tăng 4,75% (tăng 6.466 tỷ đồng) so với đầu năm. Tuy nhiên, ngoài nhóm loại hình hộ kinh doanh, cá nhân có mức tăng trưởng 6,22%, thì tín dụng ở các loại hình có vai trò động lực cho nền kinh tế khác là doanh nghiệp và hợp tác xã lại có mức tăng trưởng âm (doanh nghiệp -0,57%; hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã -24,27%).

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa)
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa)

Đây là những số liệu rất đáng lo ngại cho nền kinh tế, bởi tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ số quan trọng, phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế, là nhân tố đầu vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Việc tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho sản xuất, kinh doanh tăng trưởng chậm, thậm chí là tăng trưởng âm cho thấy sự hồi phục kinh tế chưa có dấu hiệu rõ nét. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn không chỉ thể hiện ở khả năng hấp thụ vốn mà còn ở việc dòng tiền đang đổ nhiều vào kênh huy động của ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Và điều này cũng đã được chứng minh qua số liệu tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng qua chỉ trên 6.369 tỷ đồng, bằng 63,07% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là nếu tình trạng này không có giải pháp hữu hiệu sẽ gây hệ lụy kéo dài cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Bởi đầu tư tín dụng luôn có “độ trễ” trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là phải có thời gian nhất định thì đầu tư tín dụng mới phát huy được hiệu quả thực chất là cho ra sản phẩm xã hội. Mặc dù biết là vậy, nhưng không phải dễ để giải quyết trong ngày một ngày hai, nhất là trong bối cảnh thị trường trong nước đang trầm lắng hơn bao giờ hết, trong khi việc tham gia thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đắk Lắk nói riêng đang rất khó khăn do tổng cầu thế giới giảm sút mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện gửi Thống đốc NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời rà soát kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm…

Hy vọng rằng, với những chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa được ban hành trước đó, tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.