Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách nhà nước: Cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt

07:18, 08/12/2023

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Dự báo trong thời gian đến, tình hình thu ngân sách sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách đạt 8.500 tỷ đồng vào năm 2024… Đó là những vấn đề các đại biểu bàn thảo, nêu lên tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND khóa X.

Nhiều chỉ tiêu đạt thấp

Xác định những tác động không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 4/1/2023 về tăng cường các biện pháp thu NSNN năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 28/6/2023 UBND tỉnh ban hành Công văn số 5483/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính – NSNN. UBND tỉnh cũng chủ động, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan trong ngành tài chính địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt nhất công tác thu NSNN.

Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN và tăng cường công tác quản lý thu, khai thác hiệu quả nguồn thu; tuy nhiên tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn ước đạt 7.770 tỷ đồng, bằng 76,9% kế hoạch (KH) HĐND tỉnh giao và giảm 14,7% so với năm 2022. Trong đó, thu thuế, phí, lệ phí ước thực hiện 5.335 tỷ đồng, đạt 100,09% dự toán HĐND tỉnh; thu biện pháp tài chính ước đạt 2.150 tỷ đồng, chỉ đạt 52,49% dự toán HĐND tỉnh; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước thực hiện 120 tỷ đồng, chỉ đạt 22,06% dự toán HĐND tỉnh…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn khiến thu ngân sách năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh: Hoàng Gia

Lý giải điều này, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho rằng: Kết quả thu ngân sách của tỉnh năm 2023 chưa đạt mục tiêu đề ra là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có một số doanh nghiệp mang lại nguồn thu lớn cho NSNN trên địa bàn tỉnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị suy giảm như: Công ty Bia Sài Gòn - Miền Trung dự kiến sản lượng bia sản xuất là 64 triệu lít/94 triệu lít KH 2023, tương ứng với số thuế 575 tỷ đồng, bằng 71,9% số thu năm 2022 là 800 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, dự kiến sản lượng điện sản xuất năm 2023 chỉ đạt 2.830 triệu Kwh, tương ứng số thu là 290 tỷ đồng, bằng 95,3% số thu năm 2022 (304,6 tỷ đồng); giao dịch bất động sản dự báo còn trầm lắng làm giảm các khoản thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ so với năm 2022… cùng với việc thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 như: miễn, giảm, giãn một số loại thuế.

 

“Chỉ tiêu thu NSNN năm 2024 cũng khá nặng nề, đặt ra nhiều thách thức. Hy vọng năm 2024 với sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm của các cấp, ngành cùng các giải pháp căn cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư sẽ tạo tiền đề, cơ sở vững chắc hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN như nghị quyết đã đề ra…” -  Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm được nhà đầu tư; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, sụt giảm mạnh, đóng băng trong một thời gian dài đã khiến công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có bất động sản) để hạn chế phát sinh nợ xấu nên phần nào ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng…

Phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2024

Đánh giá công tác thu NSNN năm 2023 cũng như các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho rằng: Cơ cấu thu không đạt KH đầu năm đề ra, trong đó thu biện pháp tài chính đạt thấp.

Đặc biệt, thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt rất thấp (thực hiện 327 tỷ đồng, bằng 18,2% KH); đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh không đạt mục tiêu đề ra và phải điều chỉnh KH (số hụt thu 3 năm là trên 2.252 tỷ đồng).

Do vậy, đề nghị UBND chỉ đạo các cơ quan được giao thu tiền sử dụng đất, rà soát nguồn thu từ quỹ đất và các nguồn thu nhà đất khác, lập kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm để có giải pháp thu được, đảm bảo nguồn thu đáp ứng cho đầu tư phát triển và đảm bảo KH thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025.

Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành (xã Ea Ral, huyện Ea H'leo). Ảnh: Vạn Tiếp

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện công tác thu NSNN ngay từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thuế đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm chắc các nguồn thu NSNN trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ các dự án mới, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió…

Tăng cường dự báo, phân tích những khó khăn, thách thức có tác động đến công tác thu ngân sách để kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng kịp thời trong điều kiện mới…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.