Multimedia Đọc Báo in

Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk

16:14, 19/12/2023

Ngày 19/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Ngãi đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Lắk”.

Tham dự hội thảo có Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn; đại diện gần 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, điểm bán hàng OCOP của hai tỉnh.

a
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã của hai tỉnh đã cùng giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh, năng lực sản xuất sản phẩm, đặc trưng riêng của từng địa phương, đề xuất chiến lược phát triển chung về thương mại.

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp trưng bày, giới thiệu sản phẩm và khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cũng như nhu cầu kết nối với đối tác. Các nhà phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ, điểm bán hàng OCOP giới thiệu về điều kiện khi đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau đưa sản phẩm đặc trưng của hai tỉnh đến nhiều hơn với người tiêu dùng.

a
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn (bên trái) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình chủ tọa hội thảo.

Được biết, Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, với 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước); trong đó có gần 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, với nhiều loại nông sản có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước, như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, macca, trái cây...

Đến nay, toàn tỉnh có 142 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 – 4 sao, gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 123 sản phẩm 3 sao của 89 chủ thể (33 doanh nghiệp, 32 hộ kinh doanh và 24 hợp tác xã).

a
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của Đắk Lắk.

Còn tỉnh Quảng Ngãi, ngoài các sản phẩm nông nghiệp như tỏi, yến sào… còn có lợi thế về nguồn hải sản phong phú với 130 km đường bờ biển (với nhiều sản phẩm từ biển như muối, chả mực, tôm, cá…).

Hiện Quảng Ngãi có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 – 4 sao (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 148 sản phẩm đạt 3 sao). Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận OCOP đối với 2 sản phẩm du lịch (Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (3 sao) và Điểm du lịch Thành cổ (4 sao)).

Đại diện doanh nghiệp hai tỉnh kí kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện doanh nghiệp hai tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.

Tại hội thảo đã có 45 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của hai tỉnh. Qua đây, tạo cầu nối quan trọng để các chủ thể OCOP của hai địa phương đưa những sản phẩm đặc trưng, chất lượng của mình phát triển ra ngoài tỉnh và toàn quốc.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.