Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn công tác ngoại giao kinh tế

08:42, 30/01/2024

Thời gian qua, các hoạt động kinh tế đối ngoại, ngoại giao kinh tế được quan tâm thực hiện. Qua đó, đã huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hợp tác đa lĩnh vực

Hàn Quốc là quốc gia có nhiều chương trình, dự án hợp tác với tỉnh Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, gồm: Dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ, hoàn thành xây dựng năm 2013, công suất 5.600 m3/ngày đêm (tổng mức đầu tư 87,8 tỷ đồng); Dự án nâng cao hiệu quả dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ (19,6 tỷ đồng) và Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên (126,5 tỷ đồng).

Một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã mang lại hiệu ứng tích cực là Dự án Trung tâm Đào tạo tiếng Hàn Quốc (JVEC), do Hiệp hội Pháp nhân Hội đồng xúc tiến giao lưu Jeonbuk - Việt Nam triển khai, được cấp phép hoạt động giáo dục từ tháng 3/2019, với tổng vốn đăng ký 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận 18 khoản viện trợ nhân đạo (NGO), tổng giá trị hơn 558.000 USD (hơn 12,8 tỷ đồng) trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, bảo trợ xã hội từ 4 tổ chức, 2 cá nhân Hàn Quốc.

Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu Dakman – Buôn Ma Thuột là một trong những dự án FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều hoạt động hợp tác với Hoa Kỳ. Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, địa phương đã phê duyệt 41 khoản viện trợ do các cơ quan, tổ chức Hoa Kỳ viện trợ, tổng giá trị hơn 9,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục và cải thiện sinh kế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, có 1 dự án ODA đã được thực hiện là Dự án sáng kiến đường dẫn cá khu vực hạ lưu sông Mê Kông tại xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DOI) tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á, tổng mức đầu tư 108.319 USD, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại 104.000 USD. Ngoài ra, một nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đề xuất đầu tư Dự án nhà máy sản xuất lông mi nhân tạo KVD tại TP. Buôn Ma Thuột, với tổng số vốn 9,5 triệu USD.

 

“Tỉnh xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản, kết hợp với ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk đến cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ mọi nguồn lực và sự ủng hộ của bên ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của địa phương” - H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào tháng 12/2023, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự quan tâm đến những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thể hợp tác với địa phương như: năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, giáo dục, sản xuất, chế biến cà phê. Hoa Kỳ cũng sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk trong việc phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo; đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh và đội ngũ công chức, viên chức của địa phương.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế

Theo số liệu của UBND tỉnh, năm 2023 có 393 đoàn, với 1.770 lượt người đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với tỉnh (tăng 215 đoàn/1.198 lượt người so với năm 2022). Về thu hút đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh hiện có 26 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 732 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực điện gió, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, môi trường.

Những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Hà Lan và Hồng Kông (Trung Quốc).

Trong năm qua, tỉnh đã vận động được 20 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài, với tổng giá trị cam kết 49,7 tỷ đồng, tương đương gần 2,1 triệu USD. Các khoản viện trợ tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh ưu tiên kêu gọi, như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, văn hóa, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, cải thiện sinh kế cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm một dự án FDI trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, các hoạt động ngoại giao kinh tế của tỉnh chưa thật sự phong phú, chủ yếu tập trung vào công tác thông tin đối ngoại; việc tham dự các sự kiện quảng bá, triển lãm ở nước ngoài còn hạn chế; chưa có nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn; công tác tiếp cận các thị trường mới, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn… Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; phát huy kết quả hợp tác với địa phương các nước trong khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) và mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp… nhằm kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh với đối tác nước ngoài, đưa các thỏa thuận hợp tác đã ký kết triển khai thực hiện khả thi và hiệu quả hơn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình quảng bá, thu hút dự án FDI, ODA có chất lượng.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ tỉnh kết nối, phát triển quan hệ giữa tỉnh với địa phương các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ quảng bá nông sản của tỉnh trong khuôn khổ các diễn đàn, hội nghị quốc tế và thông qua các kênh ngoại giao khác; phối hợp tổ chức các sự kiện ngoại giao kinh tế phù hợp với tình hình địa phương.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc