“Đổi đời” từ vườn ươm cây giống
Trước đây, anh Dương Ngọc Toàn (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) từng là chủ thầu xây dựng tư nhân. Song, công việc khá vất vả, việc tuyển dụng nhân công khó khăn khiến công việc của anh gặp không ít trở ngại, thu nhập không cao.
Năm 2012, được những người ươm cây giống ngỏ ý cung cấp hàng bán nên anh Toàn “đánh liều” dùng hết số vốn tích lũy sau nhiều năm làm việc để kinh doanh vườn ươm.
Ban đầu, mặc dù có nguồn hàng chất lượng, uy tín, nhưng do chưa tạo được niềm tin đối với khách hàng nên anh không thể cạnh tranh được với các đại lý cây giống có uy tín trước đó. Không nản lòng, anh vừa đi làm thuê, vừa buôn bán thêm các mặt hàng khác như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để duy trì cửa hàng cây giống. Trong suốt ba năm kinh doanh cây giống, anh không hề thu được lãi, mỗi năm chỉ bán được khoảng 10 - 20 triệu đồng. Đến năm thứ tư, khi các khách hàng mua lẻ cây giống về trồng trong vườn có kết quả, người dân mới tin tưởng chất lượng và đặt mua với số lượng nhiều.
Anh Dương Ngọc Toàn (bên phải) tư vấn về cây giống cho người dân tại cửa hàng. |
Năm 2018, để tiết kiệm chi phí đầu vào và thu lãi cao hơn, anh Toàn nảy ra ý tưởng làm vườn ươm, tự sản xuất cây giống. Nghĩ là làm, anh vay mượn để mở vườn ươm đầu tiên, với diện tích 500 m2. Anh Toàn nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi ươm 5.000 cây sầu riêng nhưng không đúng kỹ thuật nên bị cháy lá, quắn đọt khiến hơn phân nửa đứng trước nguy cơ mất trắng. Suốt một tuần tôi thức trắng đêm lên mạng tìm hiểu nguyên nhân, cách khắc phục. Nhờ bình tĩnh xử lý, tôi đã kịp thời tách cây bị bệnh ra và dùng đúng thuốc bảo vệ thực vật nên “cứu” thành công khoảng 3.000 bầu giống, tránh được nguy cơ thua lỗ khoảng trên 300 triệu đồng”.
Vượt qua khó khăn này, anh Toàn đã đúc rút được kinh nghiệm về quy trình xử lý thuốc bảo vệ thực vật để cây giống phát triển. Nhờ vậy, việc kinh doanh ngày càng khấm khá, cửa hàng trở thành địa chỉ cung cấp cây giống uy tín cho người dân. Hiện nay, anh Toàn đã nhân rộng được hai vườn ươm cây giống, với tổng diện tích 4.500 m2, có hệ thống mái che, tưới nước hiện đại, với trên 50 loại cây chủ lực như: cà phê, sầu riêng, cây ăn trái các loại… bán với giá từ 20.000 - 100.000 đồng/cây. Mỗi năm cơ sở bán ra thị trường 70.000 – 80.000 bầu giống, sau khi trừ chi phí chăm sóc, nhân công... thu lãi trên 1 tỷ đồng. Vườn ươm cây giống của anh Toàn đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 7 - 10 lao động thời vụ.
Vườn ươm cây giống của anh Dương Ngọc Toàn (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. |
Năm 2022, anh Toàn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Tuấn Nguyên, với 8 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Các thành viên tham gia HTX có thêm khoản thu nhập từ chia lợi nhuận và hoa hồng từ việc bán hàng, kết nối tiêu thụ cây giống. Tuy không phải là công việc cố định nhưng phần nào giúp các thành viên có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Anh Võ Tấn Phát (thị trấn Liên Sơn, thành viên HTX) chia sẻ: “Trước kia, tôi làm tài xế xe tải đường dài nên công việc khá vất vả, thu nhập lại thấp. Sau khi tham gia HTX, tôi vừa lái xe đi cung cấp cây giống, vừa góp vốn ăn chia lợi nhuận nên có công việc ổn định, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Không những vậy, tôi còn không bị gò bó thời gian, có thể linh hoạt để tranh thủ việc đồng áng, nâng cao thu nhập”.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Toàn còn đóng góp không nhỏ vào công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thời gian qua, anh đã trao 3.300 cây mít; 1.000 cây dừa, nhãn hương chi và 6.000 cây mai con, với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng tặng người dân tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lắk.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc