Giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Về đích đúng hẹn
Vượt qua những khó khăn, vướng mắc, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành đúng tiến độ. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân vùng Dự án.
Dự án cao tốc đường bộ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài hơn 116,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.
Quyết tâm chính trị cao
Dự án thành phần 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,09 km, đi qua địa bàn ba huyện gồm: Ea Kar (khoảng 11,207 km); Krông Pắc (khoảng 33,314 km) và Cư Kuin (khoảng 3,572 km).
Huyện Krông Pắc là địa phương có tuyến cao tốc đi qua lớn nhất, với chiều dài hơn 33 km, diện tích đất thu hồi hơn 223 ha. Song với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, phòng, ban chuyên môn, đến cuối tháng 12/2023, địa phương đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng dự án cho chủ đầu tư và các đơn vị liên quan triển khai thi công công trình. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc bàn giao mặt bằng Dự án thành phần 3 cả về tỷ lệ chiều dài tuyến (33,314 km) và tỷ lệ bàn giao mặt bằng về diện tích (223,11 ha).
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh (bên phải) tuyên truyền cho người dân về công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Để đạt được kết quả trên, Hội đồng Bồi thường GPMB và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cùng các phòng, ban của huyện phối hợp với UBND, tổ kiểm đếm của các xã đã phối hợp nhịp nhàng các bước từ thông báo thu hồi đất, kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc, lập phương án, tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ… Quá trình triển khai cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tuyên truyền giải thích các quy định của pháp luật cho người sử dụng đất biết và đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) Trịnh Minh Tâm cho biết, tuyến cao tốc đi qua địa bàn xã hơn 4 km, có 241 hộ dân thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án. Do tuyến cao tốc chạy qua khu dân cư và đất sản xuất của nhiều hộ dân nên quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Địa phương đã thành lập tổ kiểm đếm, tiểu ban tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai Dự án. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trên đã tự nguyện bàn giao mặt bằng trước khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ, trở thành phong trào được nhiều người hưởng ứng.
Người dân nhường đất làm dự án
Bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống chính trị, để công tác GPMB kịp tiến độ đề ra còn phải kể đóng góp rất lớn của người dân vùng dự án.
Ông Trần Văn Phú, thôn 4, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) chia sẻ: Gia đình ông thuộc diện thu hồi đất thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Vẫn biết, việc mất đất, mất nhà – tài sản gắn bó hàng chục năm với các thế hệ trong gia đình là rất buồn, nhưng vì mục tiêu chung nên ông và nhiều hộ dân khác đã tiên phong bàn giao mặt bằng trước khi Nhà nước có phương án đền bù GPMB. Hy vọng sau khi dự án hoàn thành, việc đi lại, giao thương hàng hóa sẽ thuận tiện hơn nhiều, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Vị trí tập kết vật liệu để triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hải Lý, thôn Hòa Nam, xã Hòa Đông có gần 5 sào đất thuộc diện thu hồi để triển khai dự án. Ban đầu do chưa hiểu rõ về tầm quan trọng lâu dài của dự án nên gia đình chị còn chần chừ trong việc bàn giao mặt bằng. Sau khi nghe cán bộ địa phương tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, gia đình chị đã đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Chị Lý cũng chia sẻ thêm, trước đây thôn Hòa Nam được ví như một “ốc đảo” vì đường sá đi lại khó khăn, hiện nay có hai dự án giao thông lớn gồm đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột và cao tốc đồng thời được triển khai, người dân trong thôn ai cũng vui mừng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Tài Minh cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tổng khối lượng công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng Dự án thành phần 3 đã thực hiện 325,89/332,98 ha (đạt 97,89%); tương ứng với 45,88/48,09 km. Phần diện tích còn lại chủ yếu do vướng chuyển mục đích sử dụng rừng, phải làm thủ tục tận thu rừng trồng và cưỡng chế, thu hồi các diện tích nhỏ lẻ thuộc cửa xả, nằm ngoài phạm vi tuyến chính. Hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và hoàn thành công tác GPMB đối với phần diện tích còn lại của Dự án.
Sau khi nhận mặt bằng, các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị, nhân công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục như hệ thống thoát nước, đường công vụ. Về phía chủ đầu tư đang tiếp tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình, cũng như các đoạn tuyến còn lại để nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ theo tinh thần Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc