Multimedia Đọc Báo in

Hàng Tết đã lên kệ

08:27, 09/01/2024

Thời điểm này, nhiều sản phẩm, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã được bày bán trên kệ hàng tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Sức mua trên thị trường đang nhích lên từng ngày.

Dạo quanh các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vào những ngày này, người mua hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu nhộn nhịp, nhất là vào cuối tuần. Hiện nhiều mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết như: bánh kẹo, mứt, giỏ quà, các loại hạt, nước giải khát… có bao bì, nhãn mác bắt mắt đã được bày biện trên các kệ hàng. Các siêu thị ưu tiên những vị trí trung tâm, trang trí không gian mang đậm sắc xuân để trưng bày sản phẩm nhằm thu hút và tạo thuận lợi cho khách hàng lựa chọn.

Khách chọn mua bánh, kẹo tết tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Từ giữa tháng 12/2023, Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã bắt đầu trưng bày các mặt hàng thực phẩm, các loại đặc sản tết đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Tại các quầy, kệ bày bán mặt hàng bánh, kẹo, mứt, nước giải khát… được thiết kế bắt mắt và trang trí rực rỡ. Nổi bật là những giỏ quà được thiết kế sang trọng, có đầy đủ các sản phẩm của ngày tết (bánh, kẹo, rượu, trà, mứt…), với nhiều mức giá ưu đãi, dao động từ 420.000 - 720.000 đồng/giỏ. Theo đại diện Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, với nguồn hàng dự trữ phục vụ dịp Tết phong phú và dồi dào, siêu thị bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa đến người tiêu dùng. Trong đó, ưu tiên trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng mang thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Co.opmart có chất lượng tốt, vừa túi tiền nhằm đáp ứng đủ mọi phân khúc khách hàng. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị đã tăng cường thêm nhân lực để kịp thời bổ sung hàng hóa lên kệ, tư vấn sản phẩm, cũng như hỗ trợ thanh toán và vận chuyển hàng đến tận nơi cho khách.

Còn tại Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột, từ cuối tháng 12/2023, công việc sắp xếp, bố trí và đưa hàng hóa phục vụ tết đã hoàn tất. Hiện tại, siêu thị đang tập trung trưng bày hàng hóa thuộc nhóm hàng bánh kẹo, giỏ quà tết, thực phẩm chế biến sẵn và đồ dùng thiết yếu. Đến cận tết, đơn vị mới đẩy mạnh nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Ông Bùi Văn Quân, Giám đốc Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột cho biết: Hiện tại, người dân cũng đã bắt đầu rục rịch sắm tết nhưng chưa nhiều, chỉ tăng khoảng 10% so với ngày thường. Thời điểm ba tuần trước Tết Nguyên đán (tức là từ ngày 10/12 âm lịch) mới thực sự là giai đoạn mua sắm cao điểm. Để phục vụ nhu cầu mua sắm tết tiết kiệm của người tiêu dùng, hiện siêu thị đang triển khai chương trình giảm giá đến 50% đối với gần 1.800 sản phẩm thuộc các nhóm hàng đồ gia dụng, đồ uống, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn…

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, không khí mua sắm tết cũng ngày càng sôi động. Các gian hàng kinh doanh quần áo, giày dép và thực phẩm liên tục nhập hàng mới để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách. Theo các tiểu thương, những năm gần đây, xu hướng người dân thường mua sắm tết sớm, bởi ở thời điểm này, khách hàng dễ dàng lựa chọn những sản phẩm ưng ý và tránh tình trạng chen chúc vào ngày cận tết.

Một cửa hàng tạp hóa tại chợ Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã bày bán hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chị Trịnh Kim Hồng, chủ quầy tạp hóa tại chợ Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ một tháng trước, chị đã bắt đầu nhập một số hàng hóa có bao bì tết như: bánh hộp, kẹo, hạt khô… để phục vụ nhu cầu mua sắm sớm của người dân. Dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân năm nay giảm nên chị chỉ lấy một lượng hàng nhất định, bán hết lại nhập tiếp chứ không dám trữ hàng như mọi năm. Hàng sản xuất trong nước có mẫu mã đẹp, bảo đảm chất lượng mà giá cả lại hợp lý nên chị ưu tiên nhập nhiều hơn. “Sức mua thời điểm này đã bắt đầu tăng nhẹ, giá cả hiện vẫn ổn định. Các mặt hàng đang bán chạy là bánh kẹo, gạo nếp, gạo tẻ, bột mì, đường, dầu ăn”, chị Hồng chia sẻ.

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm càng tăng cao. Bên cạnh lựa chọn mua hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng có uy tín thì hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, bởi tính tiện lợi, nhiều ưu đãi hấp dẫn và đa dạng chủng loại để lựa chọn. Tuy nhiên, hình thức mua hàng online vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn những điểm bán hàng có địa chỉ cụ thể, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, quy trình mua hàng, cách thức vận chuyển... để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cũng như bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.