Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP

08:20, 18/01/2024

Huyện Cư Kuin đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), giúp các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, phát triển kinh tế.

Những năm qua, huyện Cư Kuin đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền vận động DN, HTX, hộ kinh doanh về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả mà Chương trình OCOP mang lại. Trên cơ sở đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia tích cực của các chủ thể, kết thúc năm 2023, toàn huyện có 7 sản phẩm được đánh giá OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh.

Quy trình chẻ tách nứt và phân loại hạt mắc ca thành phẩm ở Công ty TNHH Thực phẩm - Dinh dưỡng Minh Anh Green Food.

Nhận thấy mắc ca là loại hạt mang giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, anh Lê Xuân Khương (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đã bắt tay vào nghiên cứu và kinh doanh hạt mắc ca trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Lâu dần, lượng khách hàng và đơn đặt hàng ngày càng ổn định, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và thành lập Công ty TNHH Thực phẩm - Dinh dưỡng Minh Anh Green Food, với tên sản phẩm “Hạt macca sấy tách nứt”.

Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, có thêm cơ hội thâm nhập các hệ thống siêu thị, phân phối bán lẻ trong và ngoài tỉnh, công ty của anh Khương đã chủ động lập hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Để có được sản phẩm đạt chất lượng, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến tháng 11/2023, sản phẩm “Hạt macca sấy tách nứt” đã được UBND huyện Cư Kuin công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, sản phẩm mắc ca của công ty đã được hoàn thiện về bao bì, tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc… Đây là cơ hội để quảng bá, nâng tầm và đưa sản phẩm mắc ca đến gần hơn với người tiêu dùng”, anh Khương chia sẻ.

Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang trở thành hướng đi bền vững, giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP vừa tạo việc làm cho người dân địa phương, vừa lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Là đơn vị tiên phong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm trên địa bàn huyện Cư Kuin, mỗi năm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia cung cấp ra thị trường hàng trăm bộ sản phẩm thổ cẩm. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các thành viên trong HTX đã kết hợp những họa tiết thổ cẩm truyền thống của đồng bào Êđê nổi bật trên những bộ trang phục hiện đại và thanh lịch. Để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của nghề truyền thống, HTX đã đưa sản phẩm trang phục dệt may thổ cẩm tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm thổ cẩm mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo thêm niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp tục "giữ lửa" nghề truyền thống của dân tộc mình.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Bà H Simen Êban, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia cho hay, thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP, HTX thường xuyên phải đối mặt với việc bị "ăn cắp" ý tưởng, bản quyền sản phẩm. Bởi, các mẫu trang phục cách tân phối hoa văn truyền thống sau khi hoàn thiện sẽ được đăng tải, cập nhật trên những nền tảng mạng xã hội với mục đích quảng bá sản phẩm mới do chính tay các thành viên trong HTX thiết kế, sáng tạo. Thế nhưng, một số cơ sở, cá nhân đã tự ý sử dụng hình ảnh sản phẩm của HTX với nhiều mục đích khác nhau làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm trang phục dệt may thổ cẩm. “Sau khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, HTX chúng tôi không còn lo lắng về vấn đề bị “ăn cắp” ý tưởng thiết kế, mẫu mã trang phục nữa. Từ nay, chúng tôi sẽ nỗ lực cải tiến mẫu mã để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm ngày càng trở nên tinh tế và độc đáo hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng”, bà H Simen phấn khởi nói.

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 sát với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ. Cùng với đó, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn của huyện, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc