Multimedia Đọc Báo in

Khi tín chỉ carbon đã là “tiền tươi thóc thật”

07:09, 12/01/2024

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), có một thông tin rất đáng chú ý, đó là lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Từ những “khái niệm mơ hồ” đến chuyện “tiền tươi thóc thật” đã trở thành dấu mốc quan trọng, thúc đẩy thêm lối tư duy phát triển mới cho các địa phương, nhất là đối với những tỉnh có lợi thế về rừng như Đắk Lắk.

“Tín chỉ carbon rừng” không phải là khái niệm mới. Tháng 2/2020, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018 - 2024.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn CO2 ở Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp thông qua WB, với đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD, tức khoảng 1.250 tỷ đồng.

Số tiền trên đã được phân bổ về các địa phương liên quan để chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã, các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên và các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Tham gia thị trường mua - bán tín chỉ carbon rừng giúp các địa phương có thêm nguồn tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Thuận Nguyễn

Theo tìm hiểu, bản chất của thỏa thuận trên không hẳn mang tính thị trường. Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Thay vì đưa tiền tài trợ trực tiếp, thỏa thuận này yêu cầu Việt Nam phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà WB đã "mua".

Tuy nhiên, “tín chỉ carbon” là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này.

Do đó, trong tương lai gần sẽ hình thành nên một thị trường tín chỉ carbon rừng thực thụ để cung cấp cho các ngành nghề, quốc gia có tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn vượt ngoài hạn ngạch cho phép (theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon).

Đặc biệt, nhu cầu về tín chỉ carbon chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi mà năng lực sản xuất phải tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhưng thị trường lại đòi hỏi ngày càng khắt khe những sản phẩm không làm tác động đến môi trường.

Giữ rừng tốt, Đắk Lắk có thể thu được nguồn lợi lớn từ bán tín chỉ carbon. Ảnh do Vườn Quốc gia Yok Don cung cấp

Như vậy, việc tham gia thị trường mua - bán tín chỉ carbon rừng không những giúp các chủ rừng, những người dân trực tiếp giữ rừng có thêm nguồn thu nhập; các địa phương có thêm nguồn tài chính để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng mà còn tác động đến tư duy sản xuất xanh của các doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022 - 2026 với đơn giá là 10 USD/tấn CO2. Nếu việc chuyển nhượng này thành công thì chỉ việc giữ rừng tốt thôi, các địa phương ở hai khu vực này đã có được nguồn lợi không nhỏ để đầu tư phát triển mang tính bền vững.

Riêng đối với Đắk Lắk, không chỉ dư địa lớn từ rừng, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp... đều là những ngành có thể thu lợi được từ bán tín chỉ carbon. Do đó, địa phương cần phải có chiến lược phát triển phù hợp càng sớm càng tốt để tận dụng được ưu thế của mình trước một nguồn thu đa mục tiêu như tín chỉ carbon.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.