Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc: Sức bật tăng trưởng kinh tế

09:19, 31/01/2024

Nằm trên tuyến hành lang phía Đông và trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, huyện Krông Pắc đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, vượt bậc, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước.

Đây là nguồn động lực quan trọng để huyện tiếp tục phát huy thế mạnh, đón đầu thời cơ, mang lại sự thay đổi toàn diện trên mọi mặt đời sống.

Những bước tăng trưởng vững chắc

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các mặt kinh tế - xã hội huyện Krông Pắc đều khởi sắc rõ rệt qua từng năm, tất cả các nhóm chỉ tiêu qua hơn nửa nhiệm kỳ đều đạt và vượt tiến độ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra.

Nổi bật nhất là nhóm các chỉ tiêu về kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn huyện đạt 12,6% với tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt 20.093 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1.900 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên 356 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức 65,7 triệu đồng/năm, gần cán mốc mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ.

Lãnh đạo huyện giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương.

Đi cùng đà tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Với trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp (chiếm tỷ trọng 50,59%), các sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng, lúa gạo… được đầu tư phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Ấn tượng nhất là sản phẩm sầu riêng, kể từ sau Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ nhất năm 2022, giá trị lan tỏa của thương hiệu sầu riêng Krông Pắc tiếp tục được khẳng định ở cả trong và ngoài nước. Toàn huyện hiện có 34 mã số vùng trồng sầu riêng, 12 mã cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt; sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt trên 60.000 tấn với thị trường đa dạng, rộng mở. Bên cạnh sầu riêng, huyện Krông Pắc còn có doanh nghiệp đầu tiên của Tây Nguyên xuất khẩu yến sào chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tiếp tục mở đường phát triển sâu một trong những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, giá trị cao của địa phương.

Góp phần cùng sự phát triển năng động của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực cũng từng bước nâng cao. Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, nguồn lao động địa phương rất dồi dào với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% dân số, trong đó có 55% lao động đã qua đào tạo. Để đón đầu xu hướng phát triển, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên mở các lớp đào tạo trung cấp, sơ cấp các nghề có nhu cầu việc làm cao như chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp, xây dựng dân dụng…

Nhiều dư địa thu hút đầu tư

Với diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng thuận lợi, huyện Krông Pắc đã tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch; công nghiệp - xây dựng; văn hóa - giáo dục; thương mại. Huyện đã sớm phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh cùng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và kỳ vọng của các nhà đầu tư. Qua đó đã tiến hành kêu gọi đầu tư 34 dự án trên địa bàn, thông tin cụ thể về diện tích, địa điểm, dự kiến quy mô, hiện trạng khu đất, bản đồ quy hoạch… của từng dự án để nhà đầu tư nắm bắt.

Thị trấn Phước An đang phát triển năng động.

Trong các lợi thế thu hút đầu tư của huyện Krông Pắc, hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài trục “xương sống” Quốc lộ 26, hai dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của cả vùng Tây Nguyên qua địa bàn huyện Krông Pắc đang được triển khai xây dựng là Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột và Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng mở ra kỳ vọng thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc đã cơ bản đạt mức giải phóng mặt bằng 100%, với 4 nút giao tại các xã: Hòa Đông, Ea Knuếc, Tân Tiến, Vụ Bổn. Đến nay, các tuyến giao thông kết nối với cao tốc như Tỉnh lộ 9, tuyến giao thông liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn… đã cơ bản được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Nhiều dự án kêu gọi đầu tư của huyện đang đi trước, đón đầu lợi thế giao thông như: Dự án Cụm Công nghiệp Tân Tiến, Dự án nhà ở Tân Tiến Garden (xã Tân Tiến); Dự án Logistics (xã Tân Tiến và xã Ea Uy); Dự án trang trại chăn nuôi lợn giống công nghệ cao ITVN (xã Vụ Bổn); Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (xã Krông Búk)…

Những quyết sách đúng đắn, thay đổi toàn diện của huyện đã được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao với hàng trăm lượt khảo sát tìm hiểu môi trường, điều kiện triển khai các dự án trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, doanh nghiệp đã thực hiện khảo sát đầu tư Dự án nhà máy chế biến sâu nông sản tại xã Krông Búk và nhận thấy môi trường đầu tư tại huyện có nhiều triển vọng. Doanh nghiệp cũng nhận được sự tiếp đón nhiệt tình, trao đổi thẳng thắn của lãnh đạo huyện, qua đó thấy rõ thiện chí hợp tác và có cái nhìn cụ thể, chuẩn xác về các yếu tố đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài, bền vững.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến chia sẻ, với kim chỉ nam là các nghị quyết chuyên đề và 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng mã vùng trồng, gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP. Đặc biệt, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn” còn tồn tại; tăng cường quảng bá, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm; ưu tiên các dự án chế biến sâu nông sản phục vụ xuất khẩu, dự án giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và đầu tư xã hội hóa giáo dục.

Minh Viễn


Ý kiến bạn đọc