“Mở” room phải đi cùng với “siết” kiểm soát
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng. Một trong những nội dung đáng chú ý được công bố đó là việc NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm là 15%.
Đây là điểm khác biệt rất lớn trong công tác điều hành tín dụng của NHNN. Bởi trước đây, NHNN thường đưa ra định hướng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, nhưng chỉ giao một phần room tín dụng cho các ngân hàng dịp đầu năm; phần còn lại sẽ được điều chỉnh vào giữa năm hoặc khi các tổ chức tín dụng dùng hết room quá sớm.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh minh họa) |
Việc giao toàn bộ room tín dụng cả năm có thể xem là động thái quyết liệt của NHNN trong việc giúp các ngân hàng chủ động cung ứng nhanh hơn, đầy đủ vốn hơn cho nền kinh tế, để từ đó tạo động lực cho phát triển, tăng trưởng kinh tế. Bởi thực tế những năm trước đây, việc giao room tín dụng từng phần mặc dù giúp NHNN kiểm soát dòng chảy tín dụng, nhưng lại khiến các tổ chức tín dụng bị động trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 2022 - 2023, ngay từ đầu năm NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần đầu cho các ngân hàng, nhưng chỉ sau thời gian gần nửa năm, một số ngân hàng đã chạm trần room tín dụng được cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, việc giao toàn bộ room tín dụng cả năm cho các ngân hàng ngay từ đầu năm cũng có thể xảy ra “mặt trái” nếu chỉ đánh giá kết quả thông qua tăng trưởng mà không kiểm soát được hiệu quả dòng vốn. Vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát được vốn tín dụng giao từ đầu năm này phải được cho vay vào đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi không thể loại trừ trường hợp ngân hàng được giao hạn mức tín dụng xong là “ném” hết vào doanh nghiệp “sân sau”, vào hệ sinh thái riêng của ngân hàng trong khi những lĩnh vực khác của nền kinh tế lại không được quan tâm.
Lường trước vấn đề này, trước đó, vào ngày 31/12/2023, tại Văn bản số 10167/NHNN-CSTT về tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của mình. Đặc biệt, NHNN yêu cầu việc tăng trưởng tín dụng phải đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp “sân sau”... với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.
Chủ trương đã có, văn bản thực hiện đã rõ. Vấn đề giờ đây là phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để dòng tiền đi đúng với mục đích mong muốn của cơ quan quản lý. Bởi cũng phải nhìn nhận rằng, đây là một vấn đề tương đối phức tạp, việc theo dõi, giám sát là rất khó.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc