Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất lúa hướng đến giải pháp xanh và giảm phát thải carbon

16:22, 11/01/2024

Sáng 11/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tổ chức tọa đàm “Giải pháp lúa xanh và giảm phát thải” nhằm chia sẻ thông tin về các giải pháp canh tác lúa bền vững, đạt chứng chỉ carbon.

Đắk Lắk hiện có khoảng hơn 100 nghìn ha lúa nước, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm. Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại buổi tọa đàm
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu dùng xanh hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng Đề án sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy các địa phương trồng lúa, nhất là trồng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã được nghe các doanh nghiệp trong lĩnh vực đo lường giảm phát thải, doanh nghiệp nông nghiệp giới thiệu về: Giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất; Quy trình thực nghiệm kết hợp giữa phương pháp canh tác lúa ướt khô xen kẽ (AWD) và chế phẩm BSB Nano-composite cho sản xuất lúa gạo tại Thái Lan; Quy trình canh tác lúa AWD để đánh giá và đo lường giảm lượng khí thải carbon tại Đồng bằng Sông Cửu Long… Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa phát thải khí nhà kính thấp với các hợp tác xã, nông hộ và cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, kết nối các HTX, nông hộ tham gia vào mô hình sản xuất lúa giảm phát thải, đạt chứng chỉ carbon.

Sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lắk (ảnh minh họa)
Sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lắk. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương cho rằng: nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.

Đại diện HTX phát biểu ý kiến
Đại diện hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát biểu ý kiến.

Thông qua các ý kiến của các đại biểu sẽ giúp địa phương tìm ra nhóm giải pháp phù hợp để thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon để xây dựng khung chương trình cụ thể cho việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại Đắk Lắk.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.