Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm

10:07, 23/01/2024

Thông thường vào dịp Tết, thị trường hàng hóa rất đa dạng và phong phú nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân.

Đây cũng là thời điểm gian thương thường sử dụng nhiều thủ đoạn để trà trộn, lén lút đưa những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thị trường. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk triển khai quyết liệt hơn.

Ông Giao Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk cho biết, để bảo đảm ổn định thị trường dịp cuối năm, bên cạnh các kế hoạch kiểm tra định kỳ, theo chuyên đề thì Cục QLTT Đắk Lắk triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thời gian thực hiện từ ngày 20/11/2023 đến ngày 29/2/2024. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ… Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, "găm" hàng, tăng giá bất hợp lý.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ). Ảnh: T. Mai

Với đặc thù Đắk Lắk có địa bàn rộng, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa nên Cục QLTT Đắk Lắk đã chỉ đạo 5 đội QLTT trực thuộc tăng cường bám nắm, giám sát địa bàn; chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là đối với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm, cận Tết; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (cảnh sát giao thông, thú y...) tăng cường kiểm tra, phát hiện các phương tiện vận chuyển trái phép trên khâu lưu thông theo lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Ngoài kiểm soát hàng hóa lưu thông trực tiếp, lực lượng QLTT cũng chú trọng kiểm soát và xử lý các vi phạm về hoạt động thương mại điện tử.

Đội QLTT số 4 phụ trách địa bàn thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, với khoảng 2.700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đội đã tăng cường kiểm tra những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, bia, rượu, thuốc lá… Trong đó, chú trọng kiểm tra về điều kiện kinh doanh, an toàn thực phẩm, niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của hàng hóa; việc chấp hành các quy định về đo lường, chất lượng hàng hóa, thực phẩm… Ông Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho biết, đơn vị đã chủ động thành lập hai tổ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ đi kiểm tra, bám sát địa bàn để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường. Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an thường xuyên kiểm tra trên khâu lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn này. Tính từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đơn vị đã xử lý hơn 20 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt khoảng 200 triệu đồng. Song song với công tác kiểm tra, Đội QLTT số 4 cũng đã chủ động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền tiểu thương buôn bán tại chợ thị xã Buôn Hồ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đến nay các đội QLTT đã thực hiện kiểm tra 61/111 cơ sở và phát hiện 44 vụ, 68 hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện và xử lý là: trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; bảo quản sản phẩm thực phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm; không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ… Cục đã tiến hành xử phạt hành chính 264 triệu đồng.

Minh Tâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.