Multimedia Đọc Báo in

Tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

17:40, 25/01/2024

Chiều 25/1, UBND tỉnh họp với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có hai dự án thành phần đi qua tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Tính đến ngày 24/1/2024, dự án thành phần 2 đã bàn giao 187,9 ha/317,5 ha (đạt 59,2%). Kế hoạch vốn bố trí vốn cho Dự án thành phần 2 hơn 1.041 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được trên 1.000 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 đã bàn giao 325,89 ha/332,98 ha mặt bằng (đạt 97,89%). Kế hoạch vốn năm 2023 đã giao cho Dự án thành phần trên 1.372,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 1.346,5 tỷ đồng (đạt 98,12%).

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà nêu ý kiến tại cuộc họp.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà nêu ý kiến tại cuộc họp.

Về công tác thi công, đến nay cả hai dự án thành phần đều đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu đã tập trung nhân lực, vật lực, triển khai thi công một số hạng mục công việc theo kế hoạch. Công tác rà phá bom mìn, vật nổ, nguồn vật liệu, bãi trữ... trên phạm vi toàn tuyến cũng cơ bản hoàn thành. Một số gói thầu đang thỏa thuận với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lâm nghiệp để triển khai thủ tục thực hiện.

Đối với dự án thành phần đã bàn giao mặt bằng, các nhà thầu đăng ký và xây dựng kế hoạch thi công xuyên Tết Giáp Thìn 2024 với quyết tâm hoàn thành những hạng mục ban đầu của tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn trao đổi ý kiến.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn trao đổi ý kiến.

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu UBND tỉnh xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đối với các mỏ vật liệu do nhà thầu thi công đề xuất; kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến về các bãi thải phục vụ cho dự án và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng để làm các thủ tục tiếp theo phục vụ thi công dự án. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư và các địa phương khi rà soát đề nghị chấp thuận vị trí bãi thải lưu ý không được san lấp các vị trí thoát nước địa hình, sông, suối, ao, hồ hiện hữu, tác động đến sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân, gây phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự dọc theo khu vực dự án đi qua.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kết luận cuộc họp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đánh giá quyết tâm cao của các đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án. Đồng chí đề nghị các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, bố trí “3 ca, 4 kíp” đảm bảo tiến độ thi công trên công trường. Chủ đầu tư phân công cán bộ giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trong thi công, bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Đồng thời đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công đúng quy định…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.