Multimedia Đọc Báo in

Thú vị nghề “tuyển hoa, lặt nụ” ngày cận Tết

09:41, 22/01/2024

Để giúp cho hoa nở đều và đẹp vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa cúc trên địa bàn tỉnh đang tất bật với công việc ngắt nụ, tuyển hoa. Đây cũng là lúc lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập với "nghề tuyển hoa, lặt nụ”.

Theo chị Trần Thị Thanh Tâm (chủ vườn hoa Tuấn Tâm, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), bắt đầu từ đầu tháng 12 (Âm lịch) đến nay, nhà vườn trồng hoa cúc bắt đầu thuê người ngắt bớt nụ để hoa nở đều và đẹp. Việc canh thời gian ngắt nụ sẽ tùy thuộc vào kích thước của nụ hoa. Nếu nụ hoa đã to thì thời gian ngắt sẽ muộn hơn để tránh trường hợp hoa nở trước Tết, nếu nụ hoa còn nhỏ thì sẽ ngắt sớm hơn.

Mục đích của việc ngắt những nụ hoa cúc ở các nách lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các nụ chính. Ngắt nụ kịp thời, hoa sẽ nở đồng đều hơn, mật độ phân nhánh cũng tốt hơn, giá trị thương phẩm của cành hoa cao hơn. Trung bình, mỗi ngày chị thuê từ 3 - 7 lao động để tỉa nụ.

Mỗi mùa hoa Tết, Chị Trần Thị Thanh Tâm (chủ vườn hoa Tuấn Tâm, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) thuê từ 3-7 lao động để ngắt nụ. Ảnh: N.Thùy
Mỗi mùa hoa tết, chị Trần Thị Thanh Tâm (chủ vườn hoa Tuấn Tâm, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) thuê từ 3 - 7 lao động để ngắt nụ. 

Theo chị Phan Thị Trinh (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chia sẻ: “Tôi làm nghề tuyển hoa, lặt nụ đã được 6 năm và đã trở thành mối quen của các nhà vườn ở gần đây. Công việc này khá nhẹ nhàng, mỗi ngày tôi bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 17 giờ chiều, lương được trả theo giờ, một ngày tôi có thể thu nhập được khoảng 200.000 đồng. Nếu chịu khó tranh thủ làm cho nhiều nhà vườn, tôi vẫn có thể kiếm được vài triệu đồng để trang trải, mua sắm cho dịp Tết”.

Bà Lê Thị Hồng (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), đang tỉ mỉ ngắt từng nụ hoa cúc cho nhà vườn.
Bà Lê Thị Hồng (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đang tỉ mỉ tỉa từng nụ hoa cúc cho nhà vườn.

Biết thông tin nhà vườn gần nhà tuyển lao động thời vụ ngắt nụ hoa dịp tết, em Lê Văn Tuấn (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang là học sinh tại một trường cấp 3 trên địa bàn bộc bạch: “Tranh thủ cuối năm ít bài vở, vừa kết thúc kì thi học kỳ I, vào những ngày cuối tuần, em lại xin phép gia đình làm công việc này để phụ giúp ba mẹ và có thêm một khoản để sắm sửa đồ tết. Công việc này không áp lực hay nặng nhọc gì cả, quan trọng nhất là phải cẩn thận trong từng động tác để tránh gãy búp chính, gãy ngọn vì thân hoa cúc khá giòn. Người làm việc này phải chịu khó, bởi phải đứng làm việc nhiều giờ liên tục ngoài trời nên nếu không quen việc thì sẽ rất dễ bị mỏi gối, đau lưng.”

Mỗi đọt sẽ ngắt bỏ hết các nụ hoa ở các nách lá, chỉ chừa lại duy nhất một bông to nhất (nụ chính).
Mỗi cành hoa sẽ ngắt bỏ hết nụ hoa ở các nách lá, chỉ để lại duy nhất một nụ to nhất.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc này, bà Lê Thị Hồng (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho hay, thời gian cúc kết nụ và cho hoa chừng 25 ngày, nên những người ngắt nụ phải làm nhanh để cây tập trung dưỡng chất nuôi bông hoa còn lại.

Với những nụ đã to, thường sẽ giữ lại một nụ nhỏ bên cạnh để hãm không cho nụ nở hoa sớm. Trung bình mỗi ngày, bà lặt nụ được từ 5 - 7 chậu cúc kích thước lớn, 10 - 15 chậu kích thước nhỏ. Nghề này cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng động tác và phải có kinh nghiệm thì mới làm được nhanh, không ảnh hưởng đến chất lượng chậu hoa.

Cái khó của người nhặt nụ là phải làm sao để cả vườn hoa phải nở đều, đẹp. 

Bằng bàn tay khéo léo, cộng thêm sự chăm chỉ và tinh thần chịu khó, những người làm công việc ngắt nụ hoa đã góp phần tạo ra những chậu hoa tết chất lượng cung ứng ra thị trường. Nghề này xuất hiện ở các làng hoa vào dịp tết cũng tạo công ăn việc làm để mọi người kiếm thêm thu nhập, góp cho cái Tết đủ đầy.

Ngọc Thùy

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.