Multimedia Đọc Báo in

Trăm năm phố thị cao nguyên: Cơ hội của kiến trúc hiện đại?

08:19, 07/01/2024

Tỉnh Đắk Lắk đánh dấu mốc thành lập vào năm 1904, nhưng mãi đến năm 1931 thị xã Buôn Ma Thuột mới nên hình. Tính ra đến nay, đô thị này đã có trăm năm phát triển, và ở mỗi chặng lịch sử lại có những trăn trở nhất định để mong định hình dáng dấp phố thị cao nguyên.

Một số kiến trúc sư cho rằng, quy hoạch kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột cơ bản gắn với ba giai đoạn lịch sử: giai đoạn sơ khởi thời Pháp thuộc, giai đoạn đô thị là thị xã, và giai đoạn định vị thành phố. Trước đó, địa danh Buôn đã ấn định một dáng dấp kiến trúc truyền thống các dân tộc tại đây, và kiến trúc này có tính quyết định hình ảnh thành phố cao nguyên này cho đến hôm nay. Vậy, thực chất mẫu hình kiến trúc đô thị của Buôn Ma Thuột ra sao, và trong xu hướng phát triển nên thay đổi, hội nhập thế nào cho phù hợp?

Bảo toàn hình ảnh phố thị?

Các nhà tư vấn chỉ rõ, Tây Nguyên có hai đô thị lớn, là “thành phố sương mù” Đà Lạt gắn với văn hóa xã hội, và TP. Buôn Ma Thuột có vai trò một thủ phủ kinh tế, điểm phố thị tụ hội làm ăn. Nhiều người biết đến Đà Lạt với ý niệm thơ ca, còn Buôn Ma Thuột là… hợp đồng buôn bán. Có lẽ do vậy, mà xứ hoa mimosa đã định danh thành phố từ sớm, còn Buôn Ma Thuột mãi đến năm 1995 mới trở thành thành phố. Cả một chặng dài bao năm, Buôn Ma Thuột “chí thú làm ăn” giữ hình ảnh một thị xã, lấy nền tảng buôn bán làm trọng; và phát triển, mở rộng Buôn Ma Thuột chính là làm ăn giao thương kinh tế, tổ chức logistics, giao dịch tài chính, dịch vụ phụ trợ… Phải đến khi kinh tế thị trường định rõ, lợi thế kinh tế nông nghiệp khu vực Đắk Lắk bộc lộ, Buôn Ma Thuột mới “hối hả nâng tầm”, có nhịp điệu phát triển đô thị “30 năm gom bằng 100 năm”.

Đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng hiện hữu những công trình kiến trúc mới, hiện đại.

Bởi thực tế lịch sử đó, diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột xem ra khá đơn giản, đi từ khu vực kiến trúc nhà ở truyền thống, sử dụng mô típ nhà dài quen thuộc với đồng bào dân tộc, những mái lợp cổ điển từ văn hóa tập tục buôn làng, đến sự giao thoa, tiếp cận với các mẫu kiến trúc Gothic phương Tây. Giai đoạn Pháp thuộc, với những bản đồ quy hoạch vùng kinh tế chuyên canh, Buôn Ma Thuột được sắp xếp thành thành phố tập hợp những biệt thự tư dinh gắn với các đồn điền nông sản, có những công trình xây dựng mang đường nét châu Âu. Về sau, thành phố ở vị trí một thị xã trung tâm thương mại, kết hợp giữa các hình ảnh kiến trúc nhà dài bản địa, nhà kho hàng hóa, và cả nếp nhà 5 gian truyền thống của người Việt, trở thành những khối công trình mái cao, dài, ngăn phòng ốc hiện đại và có cao tầng, sử dụng cầu thang châu Âu… Tiêu chí của những công trình nhà ở này là phải vừa quen thuộc, gần gũi với tư duy sinh hoạt của người dân bản địa, vừa giản tiện sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, linh hoạt lưu giữ hàng hóa, mở cửa hàng...

Yêu cầu phát triển đô thị mới

Trong vòng hơn 10 năm qua, khi đã xác định mục tiêu phát triển mạnh, hướng đến tầm vóc một đô thị thủ phủ Tây Nguyên, điểm hẹn thu hút đầu tư kinh tế đa ngành nghề, hoàn thiện dịch vụ và hội nhập kinh tế toàn cầu, Buôn Ma Thuột phải xác định những tiêu chí đô thị mới, ưu tiên tính năng động, hiện đại, phù hợp các xu thế sinh hoạt trẻ trung, ứng dụng công nghệ số hóa. Các công trình kiến trúc địa phương, theo đó, cần phải thay đổi, làm sao gắn kết được những mô típ truyền thống vào các tiện ích quy hoạch phố thị thương mại mới.

Kiến trúc nhà ở châu Âu chiếm ưu thế ở các dự án đô thị mới.

Một điểm nhấn cụ thể trong mở rộng quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột, là vùng đô thị phía bắc đường tránh vành đai phía tây, và khu vực đường mới đấu nối từ trung tâm thành phố ra sân bay, trong thời gian qua đã được tổ chức đầu tư những dự án đô thị mới. Các dạng kiến trúc công trình, nhà ở tại những dự án này, đều lấy tiêu chí hiện đại, phong cách nhà ở châu Âu để triển khai, hình thành những khối nhà phố thương mại liền kề, sử dụng mặt tiền thoáng đãng, như khu đô thị Ân Phú, khu đô thị Km7 Eco City, Làng Châu Âu Trung Nguyên. Sự xuất hiện những vệt đô thị mới này đang tạo nên một dáng vẻ mới cho đô thị Buôn Ma Thuột tương lai, vừa tích hợp các tính năng hiện đại, đời sống ưu tiên công nghệ số hóa, nhấn mạnh ưu thế thương mại kinh doanh, vừa tuân thủ các tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, hình thành những nhóm thị dân có nếp sinh hoạt năng động, sáng tạo hơn.

Như vậy, trong tầm nhìn đánh giá lại toàn cục diện phát triển của đô thị Buôn Ma Thuột đến nay, sau trăm năm định vị, tiêu chí của một phố thị thương mại vẫn được giữ vững. Những lợi thế của một thành phố cao nguyên, phát triển cơ hội kinh tế, xã hội gắn liền nguồn lực hàng hóa nông sản, những giá trị gia tăng khi ứng dụng công nghệ sản xuất chế biến hiện đại hơn, chắc chắn vẫn được ấn định trong thời gian tiếp theo. Buôn Ma Thuột vẫn là điểm hẹn của các chương trình đầu tư, tăng cường năng lực hạ tầng kỹ thuật về kinh tế giao thương, khai thác tốt thế mạnh nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao. Lồng ghép xu thế này, là địa phương tích hợp những mảng đầu tư giá trị gia tăng như ứng dụng công nghệ, tổ chức dịch vụ du lịch, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các lớp thị dân đang và sẽ thành hình ở vùng đất cao nguyên này, ngoài người dân bản địa, sẽ là các nhân tố lao động mới, từ các địa phương khác đổ về. Những tiêu chí đô thị hiện đại hơn, vì thế sẽ càng đậm nét với Buôn Ma Thuột trăm năm tuổi.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.