Multimedia Đọc Báo in

Bay cao khát vọng Đắk Lắk

04:26, 10/02/2024
Năm 2024 là năm có ý nghĩa trọng đại, kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu, khát vọng lớn đưa tỉnh nhà “cất cánh”.

Khát vọng lớn cho tương lai

Theo nhìn nhận của các nhà quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những “đích ngắm” táo bạo, với tầm nhìn chiến lược.

Mục tiêu của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; TP. Buôn Ma Thuột là cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đắk Lắk trên hành trình phát triển. Ảnh: Hoàng Gia

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”. Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh, an toàn; có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong tốp 25 của cả nước. Người dân Đắk Lắk “Văn minh - Thân thiện - Hội nhập”. Tỉnh định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, Đắk Lắk tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có, như: Thành phố cà phê của thế giới; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học nông nghiệp quốc tế; Trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.

Một trong những điểm nhấn tạo nên diện mạo Đắk Lắk trong tương lai là mô hình phát triển mang tính hiện đại, bền vững và nhân văn. Theo đó, tỉnh sẽ định hình và kiên định với trọng tâm là “Không gian sinh thái - Văn hóa - Kết nối sáng tạo”, phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, lấy con người làm trọng tâm, hướng về thiên nhiên. Không gian hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức theo cấu trúc “1 trọng điểm - 3 cực - 3 hành lang - 3 vùng”. Cụ thể, một trọng điểm là TP. Buôn Ma Thuột và phụ cận; ba cực phát triển gồm: thị xã Buôn Hồ (cực tăng trưởng hỗ trợ vùng trung tâm), thị xã Ea Kar (cực tăng trưởng phía Đông) và thị trấn Ea Drăng (cực tăng trưởng phía Bắc); ba hành lang động lực gồm: hành lang kinh tế tổng hợp, hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ, du lịch và hành lang kinh tế đô thị - dịch vụ, du lịch  - công nghiệp; ba vùng gồm: vùng trung tâm, vùng phía Bắc và vùng Đông Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu vươn tầm, Đắk Lắk quyết tâm tập trung cho các hướng đột phá phát triển: Đột phá về chính sách, đột phá về liên kết phát triển, đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo, y tế và đột phá trong phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Huy động nguồn lực để bứt phá

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Quy hoạch vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk là trung tâm của khu vực, tập trung cho các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, thương mại - dịch vụ - logistics. Đây cũng là những những trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Tại Phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Tây Nguyên tổ chức vào tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch phải xác định rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh và cả vùng để làm cho Tây Nguyên “thức giấc” với giá trị mới. Đồng thời, phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vô giá, lâu bền.

TP. Buôn Ma Thuột trong ngày hội lớn. Ảnh: Vạn Tiếp

Để đạt được mục tiêu lớn đòi hỏi yêu cầu lớn về nguồn lực đầu tư cho phát triển. Theo hoạch định của tỉnh Đắk Lắk, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 275.200 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 440.600 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn đầu tư công sẽ được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Với ý nghĩa lớn đối với tỉnh Đắk Lắk, Chính phủ đã yêu cầu địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh; tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để tạo hành trang cho phát triển.

Cánh đồng điện gió ở huyện Ea H’leo. Ảnh: Hoàng Gia

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hành lang pháp lý quan trọng để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, khai thông nguồn lực cho phát triển. Do đó, các cấp, các ngành cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, huy động tối đa mọi nguồn lực để Đắk Lắk “cất cánh” trong những năm tới.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.