Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số về... làng

07:00, 12/02/2024

Họ gọi đó là một sự “đổi đời” từ làm nông theo kiểu truyền thống, từng bước tiếp cận với sản xuất thương mại, giao dịch điện tử.

Phương thức hoạt động của những hạt nhân chính trị ở cơ sở cũng không còn thuần túy là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hay nhất thiết phải hội họp trực tiếp, mà có thể online nhưng công việc vẫn hiệu quả. Khoa học công nghệ đã và đang lan tỏa, hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân ở mỗi buôn làng, thôn, xã…

1. Từ chỗ không biết gì về công nghệ, kinh doanh trên nền tảng số, hiện nay anh Phạm Ngọc Quý (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đã thành thạo việc bán dê qua… môi trường mạng. Những con dê của anh rao bán online được tiêu thụ thuận lợi mà không tốn một chút chi phí nào. Anh Quý tự chụp hình, quay video đăng tải hoặc gọi cho khách hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebook để trao đổi, xem dê, thỏa thuận giá cả và thống nhất giao dịch. “Bán dê qua mạng tiết giảm chi phí vận chuyển, không còn phụ thuộc vào thương lái. Đây còn là cũng kênh tìm kiếm khách hàng hữu hiệu, giúp những nông dân như tôi nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, anh Quý nói.

Anh Phạm Ngọc Quý (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bán dê qua… điện thoại thông minh.

Nhờ công nghệ, mọi thông tin về thị trường, giá cả, xu hướng tiêu dùng, tình hình dịch bệnh… được anh cập nhật thường xuyên để chủ động ứng phó. Do vậy, hoạt động chăn nuôi, buôn bán đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trên đà sản phẩm đang có đầu ra tốt, không chỉ nhân giống cho đàn vật nuôi của mình, anh Quý còn mạnh dạn mua thêm dê về nuôi thúc rồi bán lại. Số lượng dê trong chuồng trại có thời điểm lên đến 170 con.

Từ chỗ là nông dân nghèo, nhờ cặp dê giống hỗ trợ ban đầu của chính quyền xã, nay gia đình anh Quý đã thoát nghèo.

2. Thông qua nền tảng mạng xã hội, sản phẩm của làng nghề bánh tráng Ea Bar (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có thêm nhiều khách hàng mới.

Chị Trần Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Ea Bar (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm ở làng nghề đang rất thuận lợi, một phần nhờ các thành viên HTX “thức thời” đưa bánh tráng lên mạng xã hội để bán. Những hình ảnh, quy trình sản xuất… được các thành viên chụp, quay video, tích cực giới thiệu, quảng bá trên trang Facebook, Zalo.

Hình thức này đã thu hút khách hàng tìm hiểu, tin tưởng và đặt mua hàng. Trên đà đó, nhiều thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, chuyển dần từ làm thủ công sang tự động hóa giúp tăng đáng kể sản lượng. Như hộ gia đình của chị Kiều, lượng sản xuất mỗi ngày hiện lên đến gần 1 tấn gạo, trong đó có đến 70% bánh làm ra được tiêu thụ thông qua kênh online.

Thông qua các nền tảng xã hội, sản phẩm của làng nghề bánh tráng Ea Bar đang có đầu ra thuận lợi.

3. 72 tổ công nghệ sống cộng đồng trên địa bàn huyện Krông Ana được ví như “cánh tay nối dài” để thay đổi nhận thức của mỗi người dân địa phương về chuyển đổi số.

Các tổ được thành lập ở từng khu dân cư với vai trò nòng cốt là đoàn viên thanh niên. Nhiệm vụ của tổ công nghệ số này là thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi số đến từng hộ gia đình; phổ cập công nghệ số, kỹ năng số, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho hay, các tổ công nghệ số cộng đồng đã đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền người dân về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng: Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, sổ sức khỏe điện tử và các nền tảng, dịch vụ khác tương tác với chính quyền; thanh toán điện tử, ví điện tử, bán nông sản online…

Mô hình này giúp người dân nhận thấy công nghệ số không quá phức tạp mà dễ dàng, dễ hiểu, thiết thực cho cuộc sống. Với chị H’Rui Brông, 54 tuổi, ở buôn Ea Na (xã Ea Na), giờ đây chiếc điện thoại thông minh đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho chị như: nộp học phí cho con, thanh toán khi đi chợ, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử… Bên cạnh đó, chị còn tham gia nhóm Zalo của buôn, chi hội phụ nữ để trao đổi thông tin, thông báo hội họp; tìm hiểu cách chăm sóc lúa, trồng cà phê, chăn nuôi…

Ở xã Ea Na, 12/12 thôn, buôn đều có nhóm Zalo với sự tham gia tích cực của người dân. Giờ đây, trưởng các thôn, buôn không nhất thiết cứ phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bởi chỉ cần đăng tải thông tin trên các nhóm Zalo, người dân nhanh chóng cập nhật. Các thành viên trong nhóm còn thảo luận, đóng góp ý kiến để thống nhất thực hiện các hoạt động ở cộng đồng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.