Dấu ấn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Sau hai năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi từ những chính sách về tài khóa, tiền tệ.
Theo số liệu của Cục Thuế Đắk Lắk, thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), năm 2022, có 830 hộ cá nhân kinh doanh và 3.245 DN được giảm thuế, với tổng số thuế GTGT được giảm là 710 tỷ đồng; năm 2023, giảm thuế cho 828 hộ cá nhân kinh doanh và 3.118 DN, với tổng số thuế 327 tỷ đồng. Với việc giảm thuế GTGT đã giúp DN giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 11 khách hàng, với số tiền lãi đã hỗ trợ gần 2,3 tỷ đồng, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 794 tỷ đồng; cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 11.878 khách hàng, với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu là 7.081 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.521 khách hàng, với dư nợ 1.208 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm gần 3,9 tỷ đồng; hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu cho 938.713 khách hàng, với dư nợ 35.268 tỷ đồng, số tiền lãi đã hạ trên 140 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất trước khi có đại dịch COVID-19 là 71.658 tỷ đồng, với 222.550 khách hàng.
Công nhân Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk kiểm tra hệ thống tự động sản xuất bia trước khi vận hành. Ảnh: Nguyễn Gia |
Về an sinh xã hội, lao động việc làm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk đã triển khai 5/5 chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giải ngân được 10.227 món vay, với số tiền hơn 552 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 136.266 đối tượng, với số tiền hơn 134 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, toàn tỉnh hỗ trợ bằng tiền cho 65.133 người, với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng; điều chỉnh mức đóng giảm từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 3.036 đơn vị sử dụng lao động, 58.199 lao động, với số tiền giảm hơn 31,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các chính sách của Quốc hội, Chính phủ mang tính nhân văn, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân và DN. Bên cạnh đó, các chính sách phát huy hiệu quả đã giúp kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và phát triển. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh Đắk Lắk năm 2022 đạt 8,58%, năm 2023 đạt 4,39%, quy mô kinh tế đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách
Để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, thương mại... và ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng lấy TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; theo dõi, nắm tình hình hoạt động, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất thép ở Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia vào tháng 1/2024, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả những chính sách của Trung ương về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cần rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục đầu tư dự án.
Tỉnh cũng cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết số 43 để phát hiện những sai sót, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Đắk Lắk đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành có liên quan xem xét, sớm hoàn thiện khung pháp lý về các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN. |
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc