Điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế
Trong năm 2023, nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Lắk đã xuất khẩu thành công sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, châu Mỹ. Đặc biệt, cà phê đặc sản Việt Nam (xuất xứ từ Đắk Lắk) đã định vị được trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Định vị sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đạt 1,6 tỷ USD (bằng 100% kế hoạch), tăng 0,9% so với năm 2022, trong đó cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với 400.000 tấn (chiếm 72% tổng sản lượng sản xuất), kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk.
Nhờ Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh có nhiều cơ hội để mở rộng và nâng cao sức cạnh ở thị trường xuất khẩu tiềm năng. Nắm bắt xu thế, nhiều DN cũng đã quan tâm đầu tư sản xuất những dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng; mang lại giá trị gia tăng hơn rất nhiều lần so với cà phê thông thường. Qua đó, giúp cà phê Robusta Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng nâng cao được vị thế trên thị trường thế giới về mặt sản lượng lẫn chất lượng. Đến nay, cà phê Đắk Lắk đã có mặt ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản vẫn là thị trường lớn nhất.
Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê. Trong năm 2023, công ty đã xuất khẩu được 128.000 tấn, doanh thu 6.900 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD), giá trị trung bình xuất khẩu tăng 15% so với năm trước. Đặc biệt trong năm 2023, công ty đã xuất khẩu thành công một lô hàng nguyên container cà phê đặc sản sang thị trường Nhật Bản, với khối lượng hơn 19 tấn, trị giá 120.000 USD. Mỗi tấn cà phê đợt này đạt mức giá trung bình hơn 6.300 USD, cao nhất từ trước đến nay và gấp gần 5 lần so với giá cà phê thương mại.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak chia sẻ, với sự nỗ lực của bà con nông dân, các hợp tác xã cũng như các DN, hiệp hội ngành hàng và chính quyền địa phương thì cà phê đặc sản của Việt Nam đã có tên trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới. Qua đó, cà phê đặc sản Việt Nam được sử dụng trong các quán cà phê, nhà hàng sang trọng trên thế giới và thâm nhập được vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Hà Lan, Mỹ. Hiện nhu cầu về hương và vị của cà phê ngày càng cao nên dư địa và tiềm năng phát triển của dòng cà phê này là rất lớn. Đây là cơ hội để người trồng cà phê Việt Nam tiếp tục tập trung nâng cao tỷ lệ cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với kim ngạch kỷ lục của năm ngoái. Con số ấn tượng này đã giúp ngành hàng cà phê lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch.
Chính danh vào nhiều thị trường khó tính
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nhiều mặt hàng, trong đó có sầu riêng lọt vào top “mặt hàng xuất khẩu tỷ đô” của Việt Nam. Sầu riêng trở thành mặt hàng “quán quân” trong sản phẩm rau quả, với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt mức kỷ lục 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022. Đây vừa là sự cố gắng rất lớn của DN, vừa là kết quả từ nỗ lực mở cửa thị trường Trung Quốc của các bộ, ngành cho mặt hàng sầu riêng của Việt Nam.
Doanh nghiệp thu mua trên địa bàn tỉnh dán tem cho sầu riêng để chuẩn bị xuất khẩu. |
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của mặt hàng sầu riêng Đắk Lắk, khi sản lượng đạt 225.642 tấn (đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Tiền Giang); doanh thu từ mặt hàng sầu riêng đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5.800 tỷ đồng so với năm 2022. Riêng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Đắk Lắk trong năm 2023 đạt khoảng 70 triệu USD.
Bên cạnh các mặt hàng nổi bật như cà phê, sầu riêng thì Đắk Lắk cũng đã có thêm một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch thành công như mắc ca, ca cao… sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ lô hàng mắc ca đầu tiên xuất khẩu chính ngạch thành công sang thị trường Nhật Bản vào cuối năm 2022, trong năm 2023 Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) xuất khẩu gần 40 tấn mắc ca sang Nhật Bản, Hàn Quốc (tăng gấp 4 lần so với năm ngoái). Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương cho biết, năm 2023 giá trị đồng yên giảm khiến khách hàng Nhật Bản cân nhắc hơn khi mua hàng. Bên cạnh đó, giá mắc ca Việt Nam cao hơn giá mắc ca thế giới đã tác động đến hoạt động xuất khẩu của DN. Trong bối cảnh đó, công ty đã hỗ trợ một phần chi phí, chia sẻ khó khăn với khách hàng Nhật Bản. Công ty cũng chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm, duy trì niềm tin của khách hàng… góp phần gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Mùa vàng. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, khó tính như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều cơ hội cũng như thách thức, các DN xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường và kênh phân phối hơn nữa. Đồng thời, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh cần tập trung tháo gỡ những “nút thắt” về vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trong bối cảnh mới.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu của cả nước. |
Minh Tuyết
Ý kiến bạn đọc