Doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cũng là thời cơ để doanh nghiệp (DN) Đắk Lắk bắt kịp và đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống, góp phần tạo cơ hội để địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Với số lượng hơn 12.000 DN trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp cận kinh tế số đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp đổi mới
Là đơn vị tiên phong trong áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang là một trong những DN tạo được sức lan tỏa trong việc tiếp cận nền kinh tế số. Ông Đoàn Xuân Trường, Giám đốc công ty chia sẻ, năm 2020, sau khi học hỏi được các quy trình, kỹ thuật sản xuất nấm, ông quyết định cùng các cộng sự triển khai xây dựng Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn. Ông đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản, hệ thống tưới tự động và quy trình sản xuất được thiết kế một chiều, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch khuẩn. Mô hình này hoàn toàn được cơ giới hóa và sử dụng các hệ thống tự động quản lý bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại. Nhờ vậy dù ở đâu cũng vẫn có thể quản lý, nắm bắt được tình hình của trang trại nấm.
Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn, với quy trình sản xuất được thiết kế một chiều tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột). |
Cũng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang lại chọn tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên các kênh thương mại điện tử. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang, sản phẩm của đơn vị có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, hầu hết được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… và các mạng xã hội Facebook, Zalo. Bên cạnh đó, công ty đã đẩy mạnh sử dụng các tiện ích số, như: phần mềm quản lý bán hàng, hóa đơn điện tử, chữ ký số… Xác định kênh bán hàng chủ yếu là qua nền tảng số nên công ty đã tiếp cận và sử dụng những nền tảng này ngay từ khi có những sản phẩm đầu tiên. Ngoài ra, công ty còn liên kết với một số siêu thị ở Đà Nẵng và TP. Buôn Ma Thuột để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Trong năm 2023, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 35.000 sản phẩm, tiêu thụ khoảng 30 tấn bơ cho bà con nông dân địa phương.
Chính quyền tiếp sức
Trong những năm qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ DN tiếp cận kinh tế số. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh còn đặt ra hai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đó là: đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng DN và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư. Trong đó, kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Đắk Lắk đã và đang ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện, nền tảng tăng tốc chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn mới.
Hoạt động livestream bán hàng được thực hiện thường xuyên tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang. |
Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2023, Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (đứng thứ 5 toàn quốc); có 259.652 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số (đạt 43% tổng số hộ). Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi cơ bản nhận thức, cách làm truyền thống của người dân về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc và quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Kết nối và Chuyển đổi số - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk Hoàng Minh Ngọc Hải nhận định, với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, cùng nhiều tiềm năng, dư địa về nông nghiệp, ứng dụng số hóa hiện diện ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy hiện nay hoạt động chuyển đổi số của DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đối mặt nhiều thách thức, nhưng với nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ và sự thích ứng của DN, dự kiến trong tương lai gần sẽ có nhiều hoạt động số hóa hơn, đặc biệt là trong năm 2024.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7%; phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500 đến 1.000 người. |
Lê Lan
Ý kiến bạn đọc