Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số

14:09, 10/06/2023

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 10/6 Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đa số đại biểu thống nhất với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Đề cập về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào kho lữu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin. Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Ngoài ra, Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Phiên thảo luận tại tổ 1. Ảnh: quochoi.vn
Phiên thảo luận tại tổ 1. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cũng nhất trí với Ban soạn thảo đề cập việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số trong dự án Luật. Bên cạnh đó là việc hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Đại biểu đánh giá cao quá trình soạn thảo dự án Luật đã tạo bước ngoặt đột phá về chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực và đồng thuận với khoản 10 Điều 10 về bổ sung kê khai nhóm máu cho bảo vệ sức khỏe công dân trong trường hợp cấp bách.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo dự án Luật cũng bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân (Điều 20) là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này cũng góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Về đối tượng áp dụng của dự án Luật, đại biểu đồng thuận với phần điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo việc quản lý những người này đang sinh sống, làm việc tại nước ta một cách khoa học hơn.

Siết chặt quản lý trong lĩnh vực viễn thông

Cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu tại tổ 6 tham gia phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tại tổ 6 tham gia phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Việc sửa đổi Luật Viễn thông cũng nhằm thể chế hóa kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông, thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Đối với phạm vi điều chỉnh, các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với các loại hình dịch vụ mới theo hướng mở, mang tính nguyên tắc.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Đại biểu cho rằng, việc siết chặt quản lý là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng, các dịch vụ mới được sử dụng phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành, cần phải có các chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ một cách an toàn, an ninh.

Mục tiêu quản lý là khuyến khích dịch vụ mới phát triển, khuyến khích không có nghĩa là không quản lý, mà là quản lý ở mức độ phù hợp, để vẫn tạo ra môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển, xem xét đánh giá kỹ tác động của chính sách.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm để thể hiện rõ mức độ quản lý nào là phù hợp, đưa ra các quy định hợp lý như: quản lý như thế nào khi các dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích, đại biểu cho biết, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách nhà nước.

Nếu đã chi bằng ngân sách thì phải thông qua dự toán, phải có điều kiện kiểm soát. Nhiệm vụ phát triển viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết, nhưng cần đưa vào chương trình đầu tư, quy hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực hiện để tránh hình thành cơ chế xin – cho.

Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ này, đưa ra những quy định chặt chẽ cũng như đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ này, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.