“Đổi đời” cho nông sản
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản đang là lĩnh vực trọng điểm được tỉnh Đắk Lắk ưu tiên thu hút đầu tư. Đây là hướng đi nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, với nhiều sản phẩm chủ lực đặc trưng có quy mô lớn...
Thúc đẩy tiềm năng...
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn Đắk Lắk có 500 cơ sở chế biến sản phẩm nông sản quy mô công nghiệp (220 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang, hòa tan; 280 cơ sở chế biến sản phẩm khác) và 385 hợp tác xã nông nghiệp có dây chuyền chế biến. Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến đã giúp các sản phẩm nông sản Đắk Lắk “đổi đời”, gia tăng giá trị.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ An Phú (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những doanh nghiệp (DN) mạnh trong lĩnh vực chế biết nông sản, trái cây xuất khẩu. Công ty đã đầu tư nhà máy với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, gồm: dây chuyền sản xuất trái cây, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 8.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy, sấy dẻo, sấy thăng hoa 13.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất dịch chanh dây quy mô 100.000 chai/năm. Hiện nay, công ty chế biến được hàng chục loại sản phẩm từ xoài, sầu riêng, ớt, đậu bắp, mít, chuối, khoai môn, khoai vàng, khoai tím, chanh dây và bơ. Sản phẩm của DN được sản xuất theo chuỗi cung ứng khép kín từ khâu lựa chọn giống, nguyên liệu đầu vào, đến chế biến. Các sản phẩm nông sản, trái cây chế biến của đơn vị đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Cơ sở chế biến sầu riêng xuất khẩu của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Yếu tố thuận lợi nhất của Đắk Lắk trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản là nguyên liệu. Bên cạnh những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày rộng lớn như: cà phê, cao su, điều, cây ăn trái…, tỉnh còn có diện tích lớn cây hằng năm có thể chuyển đổi linh hoạt, đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm mới cho thị trường. Nhờ điểm mạnh này và sự phát triển của ngành công nghiệp, đến nay nông sản địa phương đã được chế biến theo hướng ngày càng “sâu”, sản phẩm thêm đa dạng và “tinh” hơn. Cụ thể, đối với cà phê, từ dạng nhân xô và cà bột là chủ yếu, đến nay đã hình thành nhiều dạng, dòng sản phẩm khác nhau; từ trái ca cao có thể làm thành chocolate ngọt ngào hay rượu vang thơm nồng; trái bơ hầu như chỉ ăn tươi và phải “giải cứu” khi sản lượng dư thừa, nay được chiết xuất thành tinh dầu hay tạo ra bột dinh dưỡng dành cho phái đẹp; còn với “trái cây tỷ đô” sầu riêng, thông qua công nghệ sấy thăng hoa đã trở thành những sản phẩm khô với hương vị tuyệt vời…
Chiến lược bài bản
Mặc dù nông sản địa phương đã từng bước “đổi đời”, nhưng năng lực sản xuất, chế biến vẫn còn hạn chế, gây lãng phí nguồn sản lượng. Sản phẩm nông nghiệp chỉ mới được tinh chế khoảng 20%, còn lại được chuyển đến các cơ sở chế biến ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Vấn đề này sẽ được giải quyết với Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu, phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035.
Hệ thống nhà xưởng chế biến trái cây của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Tỉnh Đắk Lắk xác định phát triển công nghiệp chế biến sâu là trọng tâm của ngành công nghiệp, trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp xanh nhằm tạo môi trường bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Với tầm nhìn này, địa phương sẽ tập trung triển khai chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài vào một số ngành liên quan đến công nghiệp chế biến chuyên sâu. Hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và để tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến.
Tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, các cụm công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến sâu; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm chế biến sâu để từng bước tham gia vào chuỗi liên kết theo chiều dọc, tạo ra mối liên kết ngành, qua đó tập hợp các DN có mối liên quan trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng từ khâu nguyên liệu, sản xuất... đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng. Về nguyên liệu, địa phương chú trọng phát triển trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo phương thức nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh nhằm đảm bảo các yêu cầu của hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí của mã số vùng trồng. Giải pháp đi kèm là xây dựng mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa DN chế biến với các hợp tác xã, nông dân trên cơ sở đảm bảo quyền lợi giữa các bên để hình thành chuỗi giá trị nông sản ổn định về số lượng và chất lượng cung ứng cho công nghiệp chế biến nói chung và công nghiệp chế biến sâu nói riêng.
Mục tiêu của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu, phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035 là đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành đạt 15 - 20%; giai đoạn 2026 - 2030, định hướng 2035, giá trị sản xuất ngành tăng 2 - 2,5 lần so với giai đoạn 2021 - 2025. |
Minh Chính
Ý kiến bạn đọc