Huyện Krông Bông: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể (KTTT) được xem là một trong những thành phần kinh tế không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng là "chỗ dựa" cho việc phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức được vai trò trên, thời gian qua, huyện Krông Bông đã triển khai nhiều giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình kinh tế này.
Tích cực hỗ trợ kinh tế tập thể
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Bông, hiện nay trên địa bàn huyện có 28 hợp tác xã (HTX), với 421 thành viên, trong đó có 15 HTX đang hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 12 tổ hợp tác (THT) của các hộ gia đình hình thành do nhu cầu hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.
Để từng bước đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh và ổn định, huyện Krông Bông đã có những định hướng phát triển KTTT. Trong đó, tập trung thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển vững chắc KTTT, góp phần tăng trưởng kinh tế của huyện, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, chú trọng việc phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân. Đặc biệt, ngày 27/10/2023, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4506/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển KTTT huyện Krông Bông. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã đề ra Kế hoạch thực hiện phát triển KTTT, HTX năm 2024 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất lúa gạo tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. |
Ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết, thời gian qua huyện đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX. Đơn cử như hỗ trợ thông tin, tư vấn kiến thức về xây dựng tổ chức, xây dựng điều lệ, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với các HTX chuẩn bị thành lập. Chi cục Thuế khu vực Lắk - Krông Bông tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đối với các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã rà soát, tổng hợp ưu tiên các HTX, THT trên địa bàn huyện được tham gia những chương trình khuyến nông, khuyến công, nông thôn mới, chương trình xúc tiến thương mại… để hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hằng năm, các HTX trên địa bàn đều được hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức tổ chức sản xuất, tham gia chuỗi giá trị nông sản, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể.
Nâng cao đời sống nhân dân
Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp, nhất là KTTT nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Krông Bông ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Nhìn chung, các HTX trên địa bàn huyện đều hoạt động theo điều lệ HTX, sản xuất, kinh doanh - dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế, phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn. Tổng doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 của các HTX đang hoạt động là gần 48,2 tỷ đồng, bình quân doanh thu mỗi HTX đang hoạt động đạt hơn 4 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều HTX có chiều hướng phát triển khá tốt, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, từng bước khẳng định thế mạnh của mình.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp dâu tằm tơ Hòa Lễ Trần Thị Thu chia sẻ về mô hình trồng dâu nuôi tằm. |
Đơn cử như HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình đã thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín đối với sản phẩm lúa gạo. HTX đã đầu tư xây dựng sản phẩm và thương hiệu HTB, tiên phong với các sản phẩm Gạo sạch Thăng Bình HTB.
Thời gian qua, sản phẩm luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, độ thơm ngon và tính đặc trưng khác biệt của gạo Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Gạo sạch Thăng Bình HTB đã tiếp cận thị trường tại 12 tỉnh thành trong nước và đang xúc tiến xuất khẩu khi tham gia tổ chức kết nối kinh doanh toàn cầu BNI.
Sản phẩm Gạo sạch Thăng Bình HTB đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Đắk Lắk năm 2020; đạt giải Ba sản phẩm tiêu biểu các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đạt Top Thương hiệu Vàng Việt Nam năm 2023.
Năm 2023, HTX Thăng Bình còn thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo an toàn bền vững theo chuỗi giá trị tại tỉnh Đắk Lắk” thuộc Chương trình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu là xây dựng ba quy trình sản xuất, bảo quản lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ lúa gạo an toàn theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp dâu tằm tơ Hòa Lễ, dù mới thành lập vào tháng 1/2023, nhưng hiện nay đã có trên 30 thành viên.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX chia sẻ, nhận thấy dâu tằm mang lại doanh thu ổn định trong khi việc nuôi, trồng lại không quá khó khăn nên bà đã tiên phong xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm. Sau khi mô hình mang lại hiệu quả, các hộ lân cận cũng học hỏi bà để triển khai.
Nhằm liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã đã quyết định thành lập HTX. Hiện nay các thành viên HTX đã canh tác hơn 20 ha cây dâu để nuôi tằm. Từ 1 ha trồng dâu, người dân có thể nuôi từ 30 – 35 hộp tằm/năm, doanh thu trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống nhiều hộ dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc